Theo ông Chu Mạnh Sinh, Chánh Văn phòng Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết tháng 3/2022, toàn quốc có trên 16,4 triệu người tham gia BHXH, trong đó có trên 15,1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và trên 85,34 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số.
Thách thức trong phát triển đối tượng
Nhìn chung, 3 tháng đầu năm, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, với mức tăng lần lượt là 1,47%, 10,77% và 1,95%. Tuy nhiên, nếu so với năm 2021, số tham gia BHXH tự nguyện giảm 168 nghìn người và số tham gia BHYT giảm 3,49 triệu người…
Tập trung giải pháp vào việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện. |
Trong thời gian qua, BHXH các tỉnh, thành phố đã tập trung vào một số giải pháp có hiệu quả tốt phát triển đối tượng như nắm bắt tình hình hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn để thông tin đến người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc chấm dứt hợp đồng lao động quay trở lại làm việc, tiếp tục tham gia BHXH, BHYT; tích cực rà soát dữ liệu cơ quan thuế cung cấp để phát triển người tham gia; tăng cường các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành; thanh tra chuyên ngành đột xuất các đơn vị nợ đọng, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hội nghị khách hàng để vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT...
Theo ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ, trong bối cảnh chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2022 rất lớn, nếu không chủ động, kịp thời triển khai các giải pháp hiệu quả ngay từ thời điểm đầu năm, thì sẽ khó đảm bảo hoàn thành được. Do đó, để đạt được các mục tiêu, bên cạnh các giải pháp hiện có, cần có một cơ chế đổi mới hơn về thù lao đại lý, tạo sự khuyến khích tham gia thời gian dài hơn với người tham gia BHXH tự nguyện.
Thực tế, từ ngày 1/1/2022, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Theo đó, mức Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện và mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2022 cũng tăng theo.
Theo quy định của Luật BHXH, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Tập trung phát triển BHXH trong khu vực HTX
Từ ngày 1/1/2022, mức đóng BHXH tự nguyện sẽ thay đổi. Mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng (22% x 1,5 triệu đồng), tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện của năm 2021 (chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm này là 700.000 đồng).
Cùng với việc điều chỉnh tăng mức đóng tối thiểu, mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng lên. Đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, số tiền hỗ trợ tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng (tăng 52.800 đồng); với hộ cận nghèo tăng từ 38.500 đồng lên 82.500 đồng/tháng (tăng 44.000 đồng) và các đối tượng khác tăng từ 15.400 đồng lên 33.000 đồng/tháng (tăng 17.600 đồng).
Đối với mức đóng tối đa, đến nay do chưa thực hiện cải cách tiền lương, nên lương cơ sở năm 2022 vẫn là 1.490.000 đồng/tháng, vì thế mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là 29,8 triệu đồng/tháng (20 lần mức lương cơ sở).
Đặc biệt, khi Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian mà người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng trước đó theo phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hay 12 tháng hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau, thì người tham gia không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng. Điều này hỗ trợ cho việc phát triển BHXH tự nguyện trong năm nay.
Đồng thời, việc phát triển BHXH cần tập trung vào các khu vực tiềm năng. Đơn cử, thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy năm 2020, số HTX tham gia BHXH bắt buộc là trên 7.400 đơn vị, chiếm khoảng 28,6% số HTX; số người tham gia BHXH bắt buộc thuộc HTX là trên 41.500 người, thực tế chỉ chiếm dưới 2% số lao động thường xuyên tại HTX.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH cho biết cần xây dựng chính sách hỗ trợ tiền cho người tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, thành viên, người lao động tại nhiều HTX không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và được hưởng chính sách hỗ trợ này.
"Nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút sự tham gia của người lao động trong khu vực HTX, chính sách về bảo hiểm cần gắn với đặc điểm của khu vực này, trong đó cần chú ý đến việc nhiều người làm trong HTX là không chính thức, thu nhập không ổn định. Đây cũng chính là cách tạo dựng niềm tin cho người dân gắn bó với mô hình HTX", ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nói.
Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, hiện nay, đại dịch COVID-19 gây ra rất nhiều khó khăn, thiệt hại đối với kinh tế-xã hội đất nước, trong đó có ngành BHXH Việt Nam. Lúc này, phòng chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên số một, song việc dự kiến các kịch bản, giải pháp để có thể sẵn sàng tăng tốc và bứt phá hoàn thành nhiệm vụ sau khi dịch bệnh được khống chế cũng rất cần thiết. Do đó, các đơn vị, BHXH các địa phương cần luôn trong tư thế sẵn sàng, chuẩn bị mọi phương án.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc, bất cập; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho phù hợp.
"Đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư", ông Mạnh đề nghị.
Nhật Linh