Sau một thời gian vào miền Nam làm công nhân với nguồn thu nhập không ổn định, năm 2014, anh Nguyễn Minh Đức (Sinh năm 1993) quyết định trở về làm việc tại Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi tổng hợp và xây dựng Minh Lộc (xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Đảm nhiệm nhiều vị trí trong quá trình chăn nuôi lợn của HTX, đến nay, anh đã trở thành tổ trưởng tổ chăn nuôi lợn thịt với mức thu nhập khá.
Lấy người lao động làm trung tâm
Anh Nguyễn Minh Đức phấn khởi: “HTX Chăn nuôi tổng hợp và xây dựng Minh Lộc rất quan tâm đến đời sống người lao động. Hằng ngày, chúng tôi làm việc, ăn ở tại HTX; mọi chế độ đãi ngộ, lương đều rất tốt. Ngoài nguồn thu nhập ổn định 14 triệu đồng/tháng, tết Nguyên đán vừa rồi, tôi còn được thưởng 40 triệu đồng. Tính đến thời điểm này, tôi đã được HTX hỗ trợ đóng BHXH 8 năm. Tôi cũng như anh em công nhân ở đây rất phấn khởi vì làm việc có sự ràng buộc lâu dài và chế độ khi đến tuổi nghỉ hưu”.
Dư địa phát triển người tham gia BHXH trong các HTX là rất lớn. |
Được biết anh Nguyễn Minh Đức là 1 trong 12 lao động của HTX Chăn nuôi tổng hợp và xây dựng Minh Lộc tham gia BHXH.
Bà Nguyễn Thị Thu, đại diện HTX Chăn nuôi tổng hợp và xây dựng Minh Lộc cho hay: “Với phương châm “lấy người lao động làm trung tâm”, HTX luôn cố gắng chăm lo cho họ có nguồn thu nhập ổn định và được hưởng chế độ đãi ngộ tốt nhất trong mọi thời điểm. Với lĩnh vực chăn nuôi lợn quy mô trên 400 con lợn nái và 1.000 con lợn thịt/lứa, HTX hiện có 12 lao động. Đến thời điểm này, HTX đã hỗ trợ kinh phí đóng BHXH cho 100% người lao động, giúp họ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài”.
Dưới góc nhìn của người sử dụng lao động, bà Lê Thị Khương, Giám đốc HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương tâm sự: “Muốn người lao động yên tâm làm việc thì chế độ tiền lương và BHXH phải đảm bảo thường xuyên. Đến thời điểm này, HTX đã đóng bảo hiểm 100% cho 8 lao động”.
Tuy vậy, nếu nhìn tổng thể, việc thực hiện chính sách BHXH trong khu vực HTX ở Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung còn thấp. Cụ thể, báo cáo từ Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh cho thấy toàn tỉnh hiện có 1.030 HTX, trong đó có 286 HTX đóng BHXH (chiếm tỷ lệ 27,8%) cho 1.202 thành viên và người lao động. Trong khi, tổng số thành viên của các HTX toàn tỉnh hiện khoảng 68.413 người, trong đó tổng số lao động thường xuyên là 45.487 người.
Qua rà soát và kiểm tra thực tế của cơ quan BHXH cho thấy, người lao động trong các HTX có việc làm không ổn định, mức thu nhập thấp và không thường xuyên, nhiều trường hợp dưới mức lương tối thiểu vùng. Trong khi đó, theo quy định của Luật BHXH thì mức tiền lương đóng BHXH thấp nhất phải bằng mức lương tối thiểu vùng. Thực trạng này dẫn đến khó khăn cho cả đơn vị và người lao động trong việc trích nộp tiền đóng BHXH.
Hỗ trợ HTX tham gia BHXH cho người lao động
Theo bà Trương Thị Tuyết, đại diện BHXH tỉnh Hà Tĩnh, theo quy định của Luật BHXH thì HTX và người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các HTX là đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH. Song, hiện nay, số HTX tham gia BHXH chiếm tỷ lệ thấp so với số HTX hiện có. Như vậy, một phần lớn HTX đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật, ảnh hưởng việc thực hiện quy định của Nhà nước cũng như quyền lợi của người lao động.
Cũng theo bà Trương Thị Tuyết, trước thực tế khó khăn của các HTX, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì các đơn vị khó có khả năng đóng nộp đầy đủ BHXH cho người lao động, do vậy rất cần chính sách hỗ trợ HTX tham gia BHXH cho người lao động.
Cụ thể, cần có chính sách hỗ trợ một phần mức đóng BHXH với người lao động và thành viên HTX. Cùng đó, tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHXH đối với các thành viên và người lao động trong HTX. Thường xuyên có các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên HTX nhằm nâng cao trình độ, nắm vững chính sách BHXH để thực hiện đúng quy định.
Bộ LĐ-TB&XH nhận định dư địa phát triển người tham gia BHXH trong các HTX là rất lớn. Để mở rộng đối tượng tham gia trong khu vực này, hướng tới BHXH toàn dân, bên cạnh việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật BHXH với HTX, người lao động, thành viên HTX, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật BHXH phù hợp với nhóm đối tượng tại các đơn vị này.
Theo đó, BHXH rà soát, nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người quản lý, điều hành HTX không hưởng tiền lương khi sửa đổi Luật BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH nghiên cứu, điều chỉnh chính sách phù hợp, tăng tính hấp dẫn của BHXH để thu hút sự tham gia của người lao động trong khu vực HTX gắn với đặc thù của khu vực này là nhiều việc làm không chính thức, thu nhập không ổn định. Ngoài ra cũng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các HTX, ổn định việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện chính sách BHXH đối với người lao động làm việc trong các HTX.
Thy Lê