Thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, tính đến đầu tháng 9/2022, cả nước có hơn 17,16 triệu người tham gia BHXH, bằng 34,67% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng hơn 2,36 triệu người so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng với mức tăng 15,96%. Trong số này, người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,5 triệu.
Có dấu hiệu chững lại
Ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), đánh giá 6 tháng đầu năm 2022, BHXH nhiều địa phương phát triển người tham gia BHXH khá tốt nhưng đến tháng 7 và 8 có dấu hiệu chững lại, nhất là tại một số tỉnh trọng điểm kinh tế vùng Đông Nam Bộ. Đại diện BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện.
Nghiên cứu tăng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho nông dân. |
Theo lãnh đạo BHXH TP Hà Nội, dù tình hình phát triển người tham gia đạt kết quả tích cực nhưng còn tăng chậm, việc thực hiện các chỉ tiêu của HĐND thành phố, UBND thành phố giao còn không ít khó khăn. Thống kê của BHXH TP Hà Nội cho thấy tính đến ngày 31/8, toàn thành phố có 66.228 người tham gia BHXH tự nguyện, bằng 1,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Con số này tăng không đáng kể so với cuối năm 2021 (chỉ tăng 2.924 người), còn quá xa so với mục tiêu phát triển thêm hơn 45.000 người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2022. Điều đáng lo ngại là hiện có 10/30 quận, huyện, thị xã giảm số người tham gia so với cuối năm 2021.
Trong khi đó, dư địa để phát triển BHXH tự nguyện ở TP Hà Nội khá lớn, vì thành phố còn gần 3 triệu người, chủ yếu là lao động tự do chưa tham gia BHXH. Lý giải tình trạng này, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội Đàm Thị Hòa cho biết từ năm 2022, mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng theo chuẩn nghèo tăng lên, nên những trường hợp khó khăn chưa có điều kiện tham gia chính sách này. Ngoài ra, ở một số nơi, các cơ quan chức năng chưa dành sự quan tâm đúng mức đến việc triển khai chính sách, khiến người dân chưa hiểu rõ tính ưu việt của BHXH tự nguyện để chủ động tham gia…
Trước thực tế trên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã vừa gửi công văn tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Công văn của BHXH Việt Nam nhấn mạnh, BHXH, BHYT là hai chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị, kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Thời gian qua, việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và sự thay đổi của một số chính sách, đã làm số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT giảm sâu.
Hỗ trợ thêm mức đóng
Để hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT ổn định, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Quyết định số 546/QĐ-TTg và Nghị quyết số 69/NQ-CP, BHXH Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT đến cấp xã; đồng thời chỉ đạo ban hành Nghị quyết và Chương trình hành động nhằm hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT - coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với các cấp chính quyền.
Đáng chú ý, BHXH Việt Nam cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thông tin, truyền thông về tính nhân văn và lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT; Cân đối khả năng ngân sách của địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh sinh viên và các đối tượng khác trên địa bàn.
Thực tế, thống kê cho thấy Việt Nam có khoảng 65% dân số sống ở nông thôn, trong đó đa phần làm nghề nông. Vì vậy, chính sách hỗ trợ cho khu vực này tham gia BHXH là rất cần thiết. Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 18.785 HTX nông nghiệp. Các HTX đã thu hút được 3,28 triệu hộ nông dân, chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước. Tuy nhiên, số người lao động, thành viên HTX tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện vẫn còn khiêm tốn.
Vì vậy, Bộ LĐTB&XH cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật BHXH phù hợp với nhóm đối tượng tại các đơn vị này. Theo đó, rà soát, nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người quản lý, điều hành HTX không hưởng tiền lương khi sửa đổi Luật BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.
Nghiên cứu, điều chỉnh chính sách phù hợp, tăng tính hấp dẫn để thu hút sự tham gia của người lao động trong khu vực HTX gắn với đặc thù của khu vực này là nhiều việc làm không chính thức, thu nhập không ổn định.
Ngoài ra cũng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các HTX, ổn định việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện chính sách BHXH đối với người lao động làm việc trong các HTX.
Minh Trang