Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH mới gửi Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho thấy, năm 2021, số người được giải quyết trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là hơn 1,06 triệu người, tăng hơn 77.000 người so với năm 2020. 97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH, tỷ lệ này ở nữ giới là trên 55%.
Nguyên nhân rút BHXH một lần
Theo quy định BHXH hiện hành, với mức lương trung bình giả định làm căn cứ đóng BHXH là 4 triệu đồng/tháng, người dân đóng BHXH 20 năm nếu rút BHXH một lần sẽ lĩnh khoảng 134 triệu đồng. Trong khi nếu lĩnh lương hưu, có thể nhận gấp 2, gấp 3.
Người lao động chọn rút BHXH vì cuộc sống khó khăn. |
Kết quả này chưa cộng thêm hàng loạt các yếu tố khác được dùng để điều chỉnh lương hưu hằng năm gồm: tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng tiền lương, tỷ lệ điều chỉnh lương hưu, lãi suất đầu tư quỹ BHXH… Tuy nhiên, không ít người lao động thời gian qua vẫn quyết định rút BHXH một lần thay vì chờ nhận lương hưu.
Chị Nguyễn Lan đang làm việc tại khu công nghiệp tại Bình Dương, chia sẻ một phần lý do là bởi cuộc sống của người lao động quá khó khăn. Mặt khác, tuổi nghỉ hưu của người lao động khá cao cũng là nguyên nhân khiến người lao động không có đủ kiên nhẫn để chờ đợi, khi cuộc sống hiện tại đang phải “ăn đong từng ngày”.
Hiện nay, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Công nhân lao động làm việc cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, đến độ tuổi 40 rất dễ bị đào thải. Ngoài ra, công nhân lao động sẽ cảm thấy không đủ khả năng để gắn bó với doanh nghiệp cho tới khi nghỉ hưu. Khi không còn làm việc cho doanh nghiệp nữa, công nhân chỉ còn cách rút BHXH một lần.
Điều chỉnh những bất cập
Thêm vào đó, việc người lao động rút BHXH một lần không thể chờ đến tuổi nghỉ hưu ngoài việc khó khăn về kinh tế còn các nguyên nhân thời gian đóng BHXH quá dài để được hưởng lương hưu tối đa 75%.
Theo đó, từ năm 2022, lao động nam đóng đủ 35 năm BHXH, đủ điều kiện về hưu sẽ nhận được lương hưu với tỷ lệ 75% tiền lương tháng đóng BHXH, đây là tỷ lệ tối đa. Lao động nữ đóng đủ 30 năm BHXH, đủ điều kiện về hưu sẽ nhận được lương hưu tối đa.
Vì vậy dẫn tới nhiều người lao động bày tỏ mong muốn phải có phương án để người lao động tham gia càng lâu càng có lợi, thay vì hiện nay mức lương hưu thấp, công nhân làm việc trong nhà máy đóng mức không cao, dù có hưởng lương hưu cũng không đủ sống, nên họ rút BHXH một lần để giải bài toán khó khăn trước mắt.
Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Xã hội của Quốc hội diễn ra tại TP. HCM, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết sắp tới khi sửa Luật BHXH sẽ tính kỹ phương án nhận trợ cấp một lần.
Theo ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo - Đồng Nai), để giữ lao động ở lại hệ thống cần điều chỉnh những bất cập để họ an tâm. Điều này sẽ tốt hơn việc ra các quy định nhằm hạn chế rút một lần.
Ông Trường đề xuất nên quy định tuổi nghỉ hưu tối thiểu tương tự số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu. Ví dụ với công nhân trực tiếp sản xuất, nữ 55 tuổi được phép về hưu nhưng mức trợ cấp hưu trí thấp hơn người về hưu tuổi 60-62-65. Công nhân còn sức khỏe sẽ tiếp tục làm việc để đạt được mức hưởng tốt hơn.
"Cho người lao động một điểm tựa an toàn và dễ hướng đến còn hơn đặt mục tiêu quá khó khiến họ dễ bỏ cuộc. Quy định tuổi hưu 62 với nam (vào năm 2028) và nữ 60 (năm 2035) với công nhân trực tiếp sản xuất là thời gian rất dài khiến họ dễ bị tác động bởi bất kỳ sự điều chỉnh của chính sách”, ông Trường bày tỏ.
Hải Đăng