Với thực trạng nhu cầu sử dụng thực phẩm ngày càng cao của người dân và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, huyện miền núi Lang Chánh đã cùng vào cuộc tích cực nhằm nâng cao nhận thức cũng như hành động của người dân về vấn đề này.
Nâng cao sức khỏe
Lang Chánh là huyện miền núi khó khăn, địa hình phức tạp của tỉnh Thanh Hóa. Nhiều hộ dân ở đây sống bằng nghề chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm. Tại một số bản vùng cao, một số người dân còn giết mổ vật nuôi kém chất lượng và bán ra thị trường, gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Trước thực trạng trên, để người dân có thêm kiến thức về đảm bảo an toàn thực phẩm khi kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm, Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Lang Chánh đã phối hợp với Văn phòng điều phối vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa mở các lớp về bồi dưỡng kiến thức về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người ở các xã trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, UBND huyện Lang Chánh mở 5 lớp tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm cho cán bộ các phòng, ban, các xã, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Để phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở kinh doanh vi phạm an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm huyện đã tiến hành kiểm tra 5 đợt đối với 254 cơ sở, từ đó phát hiện 15 cơ sở vi phạm và đã xử phạt với tổng số tiền gần 22 triệu đồng.
Đối với các cơ sở kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ, trong gần 2 năm qua UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã kiểm tra gần 1000 cơ sở kinh doanh, chế biến nhỏ lẻ, phát hiện gần 198 cơ sở không đạt yêu cầu về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sản xuất theo chuỗi
Không chỉ dừng ở việc cung cấp lý thuyết, các cấp ngành ở Lang Chánh còn xác định muốn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cần tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất theo chuỗi. Vì hiện nay, nguyên liệu để chế biến thực phẩm đều chủ yếu là nông sản, nếu tuân thủ quy trình quản lý theo chuỗi, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn về mức độ an toàn. Thực tế hoạt động của các mô hình trên địa bàn huyện những năm gần đây đã cho thấy tính hiệu quả và cần được nhân rộng.
Mô hình chăn nuôi của hộ gia đình ông Phạm Mạnh Hùng, trú tại khu Chiềng Trai, thị trấn Lang Chánh là ví dụ. Gia đình ông đã thực hiện chăn nuôi kết hợp giết mổ theo tiêu chuẩn an toàn. Gia đình đã được được tỉnh Thanh Hóa và huyện Lang Chánh hỗ trợ kinh phí. Sau nhiều nỗ lực cơ sở chăn nuôi và giết mổ của gia đình ông đã được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm vào tháng 2/2018.
Ông Phạm Mạnh Hùng cho biết: Gia đình ông xây dựng lò giết mổ từ năm 2017 với diện tích 1.500 m2 theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại khu vực lò mổ, ông chia làm 2 khu gồm khu nhốt vật nuôi trước khi giết mổ và khu vực phòng mổ, đảm bảo vệ sinh... Hiện mỗi ngày lò mổ gia súc của gia đình ông Hùng mổ 22 con lợn, cung cấp thực phẩm cho Trường dân tộc nội trú Lang Chánh và bán cho tiểu thương ở các chợ.
Hay mô hình chăn nuôi gà của HTX Hán - Sơn – Dương đang có 11 trang trại gà đóng tại các xã Quang Hiến, Giao Thiện và Giao An. Trung bình mỗi trang trại nuôi từ 5.000 đến 6.000 con gà thịt. Nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm các quy chuẩn từ làm chuồng trại đến xuất bán, sản phẩm của HTX luôn bảo đảm và đồng đều về chất lượng, ổn định về đầu ra và giá. Người tiêu dùng cũng hoàn toàn yên tâm về vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vì quy trình sản xuất của HTX được kiểm tra nghiêm ngặt.
![]() |
Lang Chánh đã hình thành được một số chuỗi nông sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm |
Không chỉ trong chăn nuôi, huyện Lang Chánh còn xây dựng thành công mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ thị trấn Lang Chánh. Chị Lê Thị Hương, chủ cửa hàng thịt lợn tại chợ thị trấn Lang Chánh cho biết: Chị thường đến các trang trại để mua lợn rồi vận chuyển về sau đó thuê người giết mổ. Trước khi mổ, vật nuôi được kiểm dịch để đảm bảo an toàn thực phẩm, sau đó sản phẩm thịt gia súc, gia cầm được mang bán tại quầy hàng trong chợ.
Đến nay, huyện Lang Chánh đã xây dựng được 3 mô hình thí điểm sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn gồm mô hình giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm, mô hình chợ an toàn thực phẩm và mô hình cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Đối với các chỉ tiêu xã an toàn thực phẩm, huyện đã có xã Giao An đạt 16/30 tiêu chí, thị trấn Lang Chánh đạt 16/30 tiêu chí. Ngoài ra huyện còn xây dựng 1 chuỗi cung ứng rau, củ, gạo an toàn tại xã Trí Nang.
Đến cuối năm 2018, huyện có 11 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, 1 chợ, 3 cửa hàng, 4 bếp ăn tập thể và 2 xã, thị trấn đảm bảo tất cả các tiêu chí của vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thời gian tới, huyện thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, giết mổ gia súc, gia cầm, tiến tới xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ, lẻ nhằm bảo đảm tốt nhất vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Như Yến