HTX chiếu lác Thành Đông đã tận dụng và phát huy thế mạnh địa phương kh nguồn cây lác dồi dào và nghề dệt chiếu từ cây lác của người dân.
Nâng cao chất lượng
Từ nhiều năm nay, cây lác luôn là cây chủ lực của xã Trung Thành Đông. Đây cũng là địa phương trồng lác nhiều nhất huyện Vũng Liêm. Theo thống kê, tổng diện tích cây lác toàn huyện Vũng Liêm là 306 ha, riêng xã Trung Thành Đông hiện có 223,2 ha. Cây lác cho hiệu quả gấp 3 – 4 lần so với cây lúa, có tiềm năng phát triển mạnh. Đây cũng là cây chủ lực để phát triển kinh tế địa phương.
Để phát triển nghề truyền thống, năm 2018, HTX chiếu lác Thành Đông đã phát uy vai trò của mô hình kinh tế tập thể, liên kết người dân sản xuất theo hướng hàng hóa, chú trọng đầu tư máy móc để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chỉ tính riêng năm 2018, HTX đã xuất bán trên 200 tấn lác se lõi và khoảng 300 chiếu thành phẩm. Sản phẩm chiếu của HTX luôn được khách hàng tin dùng, ưa chuộng. Một thợ dệt giỏi trung bình có thể làm ra 15 chiếc chiếu mỗi ngày, cho thu nhập ổn định 120.000 – 130.000 đồng/ngày.
HTX phát triển nghề truyền thống đi đôi với bảo đảm an toàn lao động |
Để tạo điều kiện cho người dân mở rộng sản xuất, phát triển vùng trồng lác phục vụ dệt chiếu, tháng 5/2019, HTX đã đầu tư 10 máy dệt. Với công suất dệt 15 chiếc chiếu/ngày, giàn máy dệt chiếu góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động của HTX .
Cụ thể, năng suất lao động tăng lên rõ rệt, gấp 3 lần so với dệt thủ công, qua đó rút ngắn thời gian sản xuất, tạo ra sản phẩm đồng đều, tiết kiệm chi phí nhân công, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thị trường tiêu thụ vì vậy cũng được mở rộng ra các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Châu Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành Đông cho hay: Trước đây, lác chỉ dùng bán sản phẩm thô, giá trị kinh tế chưa cao. Hiện nay, HTX Thành Đông đã ứng dụng khoa học vào sản xuất. Từ sản phẩm thô đã thành chiếc chiếu, giá trị kinh tế cao hơn.
Bảo đảm sức khỏe
Ai cũng nhận thấy từ khi đầu tư máy móc vào sản xuất, chất lượng chiếu được nâng cao, mẫu mã chiếu đẹp hơn so với dệt thủ công.
Để dệt một chiếc chiếu thủ công luôn phải cần đến hai người, một người đẩy lác vào khung dệt, người kia cầm khung thực hiện thao tác dập, miệt mài cả ngày cũng chỉ được 2 cặp chiếu. Trong khi đó, để điều khiển một máy dệt chiếu, chỉ cần một người ngồi đưa sợi lác vào máy và theo dõi máy chạy. Loại máy này còn có thể dệt nhiều loại chiếu với đủ kích cỡ, hoa văn khác nhau, tùy theo người điều chỉnh.
Riêng nguyên liệu lác để dệt chiếu máy phải mất 6kg lác/ chiếc chiếu thay vì 2kg lác/ chiếc chiếu thủ công. Nhờ vậy, chiếu dệt bằng máy có ưu điểm là chiếu dày, chắc, đẹp, bền nên giá trị cao gấp đôi chiếu thường.
Nếu một cặp chiếu dệt thủ công, giá chỉ khoảng 50.000 - 60.000 đồng/cặp thì chiếu dệt máy giá lên đến 130.000 - 160.000 đồng/cặp. Cũng nhờ dệt chiếu bằng máy, mẫu chiếu hoa nổi truyền thống của địa phương được khôi phục và giữ gìn, giúp cho khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn.
Tiếp xúc với máy móc trong quá trình sản xuất chiếu một cách thuần thục và an toàn là điều không hề dễ dàng, nhất là khi các thành viên đã từng quen lối sản xuất thủ công, nhỏ lẻ. Chính vì vậy, khi mua máy móc, HTX đã phải tổ chức tập huấn đào tạo thành viên sử dụng máy móc đúng cách, an toàn.
Đặc biệt, lao động tham gia dệt chiếu chủ yếu là nữ nên tính an toàn cần được đề cao hơn. Tất cả các thành viên, người lao động khi vào làm việc tại HTX đều được huấn luyện về an toàn lao động.
HTX cũng thực hiện cấm hút thuốc lá và đặt chất dễ cháy trên các phương tiện có chứa xăng dầu và nơi có nhiều dây điện, hay khu vực sản xuất. Là ngành nghề dễ cháy nổ, hỏa hoạn nên dụng cụ phòng cháy chữa cháy cũng được HTX trang bị ngay khu vực nhà xưởng.
Việc phát triển hiệu quả, chú trọng bảo đảm an toàn lao động trong sản xuất của HTX Thành Đông đã cho thấy HTX đã chú trọng các quy định về đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh lao động trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đồng thời thể hiện sự quan tâm của những người đứng đầu HTX, chính quyền địa phương đối với người lao động trong vấn đề bảo đảm sức khỏe.
Như Yến