Nghị quyết 21-NQ/TW nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện có hiệu quả công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Với mục tiêu phấn đấu tăng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. |
Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia BHYT. Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT...
Giai đoạn 2012 - 2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, chính sách BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính trong các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH chưa đạt được theo mục tiêu của Nghị quyết; tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT còn xảy ra ở nhiều địa phương; số doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT còn nhiều, số tiền nợ đọng còn cao; tình trạng lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra; công tác thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT còn chậm; chất lượng phục vụ của dịch vụ khám chữa bệnh BHYT còn nhiều bất cập; tỷ lệ người dân được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT vẫn ở mức cao, với trên 51 triệu người, chiếm 58% tổng số đối tượng…
Theo ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: BHXH và BHYT giữ vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội và tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước. Trong thời gian qua, cùng với chính sách phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, đặc biệt công tác BHXH, BHYT theo mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết.
Tuy nhiên, diện bao phủ BHXH thấp, chưa đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương, các vùng trong cả nước, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng. Tỷ lệ tham gia BHYT chưa bền vững, chủ yếu do có sự hỗ trợ của Nhà nước. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đồng bộ với các chính sách kinh tế- xã hội khác.
Quỹ BHXH đầu tư chưa đa dạng, chưa tận dụng khả năng sinh lời. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn thể hiện sự chưa hiệu quả trong quản lý, sử dụng Quỹ và chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự đi vào cuộc sống. Bội chi quỹ BHYT có xu hướng tăng. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT xảy ra ở nhiều địa phương, thuộc các thành phần kinh tế. Dịch vụ BHXH, BHYT chưa thực sự đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà địa phương có lợi thế; nhân rộng điển hình, mô hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế nhằm thu hút nhiều lao động, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt lực lượng lao động phi chính thức, chưa có quan hệ lao động, chưa tham gia BHXH, coi đây là giải pháp quan trọng nhất hướng đến đối tượng dễ bị tổn thương nhằm gia tăng độ bao phủ BHXH, BHYT; nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách BHXH; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp, tích hợp, khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung BHXH, BHYT gắn với cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, dân cư, y tế, lao động - việc làm; tăng cường hơn nữa hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH, BHYT.
Thy Lê