Lãnh đạo BHXH Lạng Sơn cho biết, trong công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia, bên cạnh các hình thức truyền thông đã thực hiện, BHXH tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông.
Tuyên truyền dễ nhớ, dễ hiểu và thiết thực
Điển hình như tiếp tục kiện toàn, mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) thông qua việc ký hợp đồng đại lý thu với Trung tâm y tế các huyện, UBND xã, thị trấn; thực hiện linh hoạt các giải pháp để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tăng cường tuyên truyền BHYT đến các xã không còn thuộc vùng II và vùng III theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ bằng nhiều giải pháp, đặc biệt là hình thức tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh đến các thôn, bản.
Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: Int) |
Quyết định 861 có hiệu lực đồng nghĩa với việc người dân các xã ra khỏi khu vực II và khu vực III sẽ không được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT kể từ ngày 4/6/2021, tuy nhiên, BHXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh gia hạn thẻ BHYT cho người dân đến hết ngày 30/6.
Tại các xã vùng 3, đặc biệt khó khăn, thời gian qua, một số đại lý thu đã có cách làm sáng tạo, tuyên truyền dễ nhớ, dễ hiểu, góp phần nâng cao nhận thức và khai thác, vận động được người dân tham gia mua BHXH tự nguyện. Điển hình như cách làm ở xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng với 177 hộ nghèo, 185 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 43,5%).
Ông Hoàng Ngọc Lừng, cán bộ văn hóa xã hội kiêm Đại lý thu UBND xã Hữu Liên từ năm 2020 đảm nhận vai trò là đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình của UBND xã. Qua nghiên cứu các văn bản và căn cứ vào tình hình địa phương, ông Lừng đã tham mưu ra một thông điệp ngắn gọn dễ nghe, dễ hiểu và dễ thực hiện là “Mỗi ngày tiết kiệm 5.000 đồng để đóng BHXH tự nguyện, đến tuổi nghỉ hưu sẽ có: 1.Sổ lĩnh tiền hàng tháng/2.Thẻ BHYT/3.Được tiền mai táng phí”. Hằng ngày, người dân đến liên hệ công việc, ông đều tranh thủ thời gian tư vấn, tuyên truyền cho bà con, nhờ đó nhận thức của họ về chính sách BHXH được nâng cao. Chỉ tính từ tháng 4/2020 đến tháng 8/2021, ông đã phát triển được 37 trường hợp tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có 5 cặp vợ chồng đều tham gia đóng BHXH tự nguyện; một số người dân trên 50 tuổi cũng dành dụm tiền để tham gia đóng BHXH tự nguyện…
Với một xã vùng đặc biệt khó khăn như Hữu Liên thì việc vận động được 37 trường hợp tham gia mua BHXH tự nguyện thực sự rất đáng ghi nhận, nhân rộng và lan toả. Điều này cũng cho thấy rằng, chính cách thức tuyên truyền miệng “mưa dầm thấm lâu” hay bằng tờ rơi với những minh hoạ về mức đóng, cách đóng, quyền lợi hưởng dễ hiểu, dễ nhớ đã khiến cho người dân ngày càng nhận thức được ý nghĩa, trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình khi tham gia BHXH tự nguyện.
Chỉ tính riêng tháng 7/2021, toàn tỉnh Lạng Sơn đã vận động được gần 58.000 người tham gia BHYT, bằng 38% so với tổng số người có thẻ BHYT giảm theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I giai đoạn 2021 - 2025, nâng tỷ lệ bao phủ BHYT từ 74% lên 81%.
“Giữ chân” và mở rộng đối tượng tham gia
Có thể nói, việc tuyên truyền, vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong điều kiện bình thường đã khó, trong thời kỳ dịch COVID-19 như hiện nay lại càng khó khăn hơn nhiều. Nhưng tại một số địa bàn trong tỉnh, các cán bộ BHXH và kênh đại lý đã có cách làm sáng tạo để truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Nông dân và các thành viên, người lao động khu vực kinh tế hợp tác là đối tượng tiềm năng để vận động tham gia BHXH tự nguyện (Ảnh: TL) |
Theo đó, những năm trước đây, khi chưa có dịch COVID-19 thì các cán bộ ngành BHXH và kênh đại lý thu thường xuyên phối hợp với các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, truyền thông, tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Nhưng từ năm 2020 xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, ở các giai đoạn bùng phát dịch bệnh khác nhau, những hoạt động truyền thông tập trung đã bị dừng để đảm bảo cho công tác phòng dịch. Chính vì vậy, trong cái khó đó, nhiều đơn vị đã có những cách làm sáng tạo như: ra quân tuyên truyền, truyền thông trực tuyến; tuyên truyền trực tiếp từng nhà; phân loại đối tượng để tiếp cận, truyền thông cho phù hợp; tập trung vào đối tượng tạm dừng đóng do nghỉ việc bởi dịch; vận động người dân tại xã đặc biệt khó khăn tham gia BHXH tự nguyện…
Trong số các kênh đại lý đang khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hiện nay, ngành bưu điện có những cách làm hiệu quả bởi hệ thống chân rết các điểm giao dịch đến tận xã và đội ngũ cộng tác viên đến tận các thôn, bản. Chính vì vậy, không chỉ phục vụ các dịch vụ công ích, ngành bưu điện còn tuyên truyền đến từng người dân về chính sách BHXH, BHYT, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân.
Thời gian qua, trên địa bàn TP Lạng Sơn có nhiều công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch, nên nhiều lao động bị tạm ngừng việc hoặc thất nghiệp. Nắm bắt được tình hình, các cán bộ Phòng Quản lý thu, BHXH tỉnh và các kênh đại lý trên địa bàn thành phố như: bưu điện, hội phụ nữ, đại lý UBND xã, phường… đã tích cực phân loại đối tượng người lao động để tiếp cận và tuyên truyền trực tiếp. Nhờ đó, nhiều người lao động trên địa bàn thành phố đã nắm bắt được chính sách BHXH và tham gia mua BHXH tự nguyện.
“Do ảnh hưởng của dịch nên công việc, thu nhập của tôi đều bị ảnh hưởng, nhất là việc đóng BHXH. Sau khi bị ngưng việc, tôi đã được các chị nhân viên bưu điện là đại lý thu BHXH, BHYT của thành phố tuyên truyền, tư vấn nên tôi cố gắng tham gia mua tiếp nối BHXH tự nguyện với mức thấp nhất để duy trì đóng BHXH. Tôi mong việc đóng của mình sẽ không bị gián đoạn, để sau về già được hưởng lương hưu và các chế độ liên quan khác”, chị Nguyễn Thị Minh Tân, nhân viên kinh doanh tổ hợp dự án nhà ở, khách sạn, chia sẻ.
Theo báo cáo của BHXH tỉnh Lạng Sơn, tính hết tháng 7/2021, toàn tỉnh khai thác được 12.947/20.742 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 62,4% so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao, tăng 1.464 người tham gia so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến hết tháng 9/2021, chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn tỉnh đạt 94,4% kế hoạch; bảo hiểm thất nghiệp đạt 92,9%; BHXH tự nguyện đạt 65,2% kế hoạch; BHYT đạt 91% kế hoạch BHXH Việt Nam giao với gần 672.000 người tham gia, đạt tỷ lệ 85,2% dân số của tỉnh.
“Nhằm hoàn thành các chỉ tiêu được giao, trong các tháng cuối năm, BHXH tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện; chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND xã, phường, thị trấn, đại lý thu đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; phối hợp với một số cơ quan, đơn vị sử dụng lao động về việc vận động cán bộ, công chức viên chức tuyên truyền, vận động người thân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình”, bà Nông Thị Phương Thảo - Giám đốc BHXH tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.
Đáng chú ý, một trong những đối tượng tiềm năng để BHXH tỉnh và các địa phương mở rộng tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình là các thành viên và người lao động trong các HTX. Trước đó, tính đến hết tháng 6/2021 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có trên 65.300 người tham gia BHXH, bằng 13,1% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm 2,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 1,6% mục tiêu Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra đến năm 2021. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng nghìn thành viên, người lao động thường xuyên của các HTX, tổ hợp tác chưa tham gia BHXH. Và BHXH tự nguyện chính là “của để dành” để người nông dân, người lao động ở khu vực kinh tế hợp tác có “lương hưu” khi về già.
Đức Nguyễn