Theo thông tin từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, hạn cuối cùng tiếp tục tiếp nhận đề nghị hỗ trợ của người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là đến hết ngày 20/12/2021. Thời gian cơ quan BHXH phải hoàn thành chi trả hỗ trợ cho người lao động chậm nhất vào ngày 31/12/2021. Nếu sau ngày 30/11/2021, trường hợp người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chưa nhận được hỗ trợ, người lao động sẽ phải tự thực hiện thủ tục đề nghị nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để được nhận hỗ trợ.
12 triệu người lao động đã nhận hỗ trợ
BHXH Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ LĐ-TB&XH về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Hơn 12 triệu người lao động đã nhận được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. |
Đến ngày 06/10/2021, BHXH Việt Nam đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363,6 nghìn đơn vị, tương ứng 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 09/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.
Về hỗ trợ người lao động, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận đề nghị hưởng hỗ trợ của 13.044.055 người lao động, trong đó: số người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 1.301.935 người; Số lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 11.742.120 người tại 343.381 đơn vị (bằng 96% tổng số đơn vị và 99% số lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã được cơ quan BHXH gửi danh sách rà soát); Số người lao động tự nguyện không nhận hỗ trợ là 28.145 người.
Tổng số tiền chi trả và đã giải quyết là 28.886 tỷ đồng (bằng 99% số đã giải quyết) cho 12.187.736 người, trong đó đa số là chi trả qua tài khoản cá nhân.
Kết quả trên cho thấy BHXH Việt Nam đã vào cuộc triển khai chính sách khẩn trương, quyết liệt thông qua ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh/thành phố.
BHXH Việt Nam đã tổ chức 05 Đoàn công tác do Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn làm việc tại BHXH 9 tỉnh, thành phố (gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh). Theo đó, các đoàn công tác đã kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Rút ngắn thời gian giải quyết
Là đối tượng thụ hưởng chính sách, Hợp tác xã cộng đồng Dao đỏ, xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa - Lào Cai) chuyên sản xuất và kinh doanh một số loại dược liệu, chiết xuất tinh dầu, thuốc tắm Dao đỏ truyền thống. Những năm trước, lượng khách du lịch đến Sa Pa rất lớn nên kinh doanh của hợp tác xã có nhiều thuận lợi. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, lượng khách gần như không có nên các sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã cũng giảm sâu về sản lượng tiêu thụ. Chị Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc hợp tác xã cộng đồng Dao đỏ cho biết: Hợp tác xã bị giảm đến 80% doanh thu.
Do vậy, những hỗ trợ giảm đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho hợp tác xã và hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của hợp tác xã có ý nghĩa rất quan trọng.
Đánh giá tác động từ chính sách hỗ trợ của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết người lao động rất vui khi đón nhận gói hỗ trợ này. Gói hỗ trợ còn là động lực thúc đẩy người lao động, hợp tác xã, doanh nghiệp tích cực tham gia Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục phổ biến, tuyên truyền nội dung chính sách đến đông đảo người lao động, giúp người lao động nhận thức rõ quyền của mình đối với chính sách.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (khi được ban hành), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan chức năng tiến hành các hoạt động giám sát thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP.
Thời gian tới, BHXH Việt Nam cũng cho biết tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2001/QĐ-TTg tập trung vào các nội dung: đối tượng hưởng, mức hưởng, quy trình, thời gian, hình thức nộp hồ sơ...
Đặc biệt, thời gian vừa qua ngay khi nhận được thông tin xuất hiện các đối tượng lợi dụng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 28/2001/QĐ-TTg dưới hình thức nhắn tin, gọi điện lừa đảo người lao động. BHXH Việt Nam đã cảnh báo trên nhiều phương tiện truyền thông đồng thời đưa ra các khuyến nghị khi người lao động nhận được các tin nhắn lừa đảo.
Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, BHXH các tỉnh, thành phố đã luôn chủ động, tích cực, nỗ lực triển khai, đảm bảo chính sách hỗ trợ đến với người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đúng người, đúng quy định.
BHXH các tỉnh đã triển khai các giải pháp đồng bộ như: Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2001/QĐ-TTg; kịp thời báo cáo, tham mưu với UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để tổ chức, thực hiện; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin... Với tinh thần rút ngắn thời gian giải quyết, không phát sinh thủ tục để người lao động, người sử dụng lao động nhận được hỗ trợ một cách sớm nhất. Chủ động liên hệ với đơn vị sử dụng lao động, người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đủ điều kiện hưởng hỗ trợ để làm thủ tục nhận hỗ trợ…
Thy Lê