Từ ngày 1/1/2022, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện tối thiểu được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi, điều này khiến nhiều người lao động đang tham gia và có ý định tham gia BHXH tự nguyện băn khoăn, lo lắng. Đồng thời, cũng đặt ra cho ngành BHXH nhiều thách thức để tiếp tục duy trì và mở rộng tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện.
Muôn vàn khó khăn
Theo quy định của Luật BHXH, mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Thêm hỗ trợ để tăng tính hấp dẫn cho bảo hiểm xã hội tự nguyện. |
Từ ngày 1/1/2022, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700 ngàn đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Theo đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330 ngàn đồng/tháng, tăng 176 ngàn đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện của năm 2021.
Sự điều chỉnh trong mức đóng tối thiểu khi tham gia BHXH tự nguyện đã khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng. Chị Phạm Thảo (Mê Linh – Hà Nội), chia sẻ, chị bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2021. Gia đình không quá khá giả, thu nhập hằng ngày chỉ đủ chi tiêu, nhưng vẫn cố gắng tham gia BHXH tự nguyện với mong muốn được hưởng lợi ích từ chính sách này. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng mức đóng khiến chị Thảo rất lo lắng.
Thực tế, đây cũng là khó khăn chung của nhiều người lao động tham gia BHXH tự nguyện hiện nay. Báo cáo với Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH giai đoạn 2016-2021 mới đây, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, đối với BHXH tự nguyện, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng dần qua các năm. Theo đó, năm 2018 có 21.247 người tham gia đến năm 2021 đã có 63.304 người tham gia, tăng 42.057 người tương ứng tăng 197,9% so với năm 2018.
Tuy nhiên, đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng lưu ý, công tác phát triển BHXH tự nguyện ở TP.Hà Nội còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể, các đối tượng lao động tự do có thu nhập không ổn định còn gặp nhiều khó khăn, rào cản trong tham gia BHXH tự nguyện khi mức hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách còn thấp, quyền lợi hưởng chỉ có 02 chế độ là hưu trí và tử tuất, thời gian tham gia để được hưởng chế độ hưu trí kéo dài 20 năm.
Cùng với đó, Hà Nội hiện có số lượng khá lớn lao động phi chính thức lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, thành viên hợp tác xã, nên cần quan tâm thu hút lượng lao động này, cần nhận diện rõ lượng lao động này đang ở đâu, hoạt động trong khu vực, lĩnh vực nào…
Tương tự, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) dù được đánh giá là một trong những địa phương phát triển số người tham gia BHXH đạt kết quả cao. Tính đến ngày 30/6/2022, toàn huyện có 3.226 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 81,1% chỉ tiêu được giao năm 2022, đạt 4,32% dân số trong độ tuổi. Tuy nhiên, ông Hồ Văn Sum, Giám đốc BHXH Huyện Cờ Đỏ, cho biết công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở địa phương vẫn còn những khó khăn.
Cụ thể, một số người dân nhận thức còn mơ hồ về chính sách BHXH tự nguyện; chính sách BHXH tự nguyện chưa thu hút do chưa có nhiều quyền lợi; kinh tế, thu nhập của người dân còn thấp, thiếu ổn định; việc tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng quyền lợi là quá trình lâu dài so với tham gia BHYT, nên người dân còn tâm lý ngần ngại, cân nhắc trước khi tham gia hoặc tham gia một thời gian rồi tự ngừng, thiếu bền vững.
“Ngoài ra, công tác quản lý thu BHXH tự nguyện còn nhiều bất cập. Số lượng người tham gia ở rải rác khắp địa bàn huyện nên công tác quản lý, đôn đốc, nhắc nhở vận động thu không đảm bảo kịp thời, dẫn đến tình trạng giảm đóng, đóng không đúng hạn thường xảy ra...”, ông Sum chia sẻ.
Theo đó, BHXH huyện Cờ Đỏ cho biết sẽ cố gắng duy trì phối hợp các ngành liên quan, các hội đoàn thể tổ chức hoạt động tuyên truyền thường xuyên, liên tục, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Thêm hỗ trợ để tăng sức hấp dẫn
Do vậy, để tăng sức hút từ chính sách BHXH tự nguyện, nhiều chuyên gia cho rằng cần tăng mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH tự nguyện một cách phù hợp để bảo đảm về sức mua của các khoản đã đóng này khi quy đổi về hiện tại do tác động của lạm phát theo thời gian. Triển khai các gói BHXH ngắn hạn linh hoạt (như ốm đau, thai sản, trợ cấp gia đình). Cần có sự thay đổi về quy định đóng, hưởng và các chế độ hỗ trợ mức đóng với các nhóm lao động khác nhau cho phù hợp với đặc trưng công việc và gia đình; cần có chính sách hỗ trợ khác như cơ hội tiếp cận vốn với nhóm lao động tự làm và chủ cơ sở…
Mới đây, lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác BHXH, với lộ trình, giải pháp cụ thể. Đặc biệt, có các chính sách hỗ trợ mức đóng để tạo đà cho người tham gia, nhất là với chính sách BHXH tự nguyện, bảo đảm quyền được an sinh cho mọi người dân, tạo cơ hội cho mọi người dân thụ hưởng chính sách.
Đồng thời, BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn số 2482/BHXH-TT hướng dẫn đẩy mạnh truyền thông kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 96/NQ-BCS của Ban cán sự Đảng BHXH Việt Nam ngày 24/8/2017 về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới” (Nghị quyết số 96).
Theo đó, lãnh đạo BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá kết quả đạt được trong 5 năm triển khai Nghị quyết số 96. Tập trung khẳng định sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy đảng và thủ trưởng các đơn vị trong toàn Ngành đối với công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT. Ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy đảng, lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị các cấp, các doanh nghiệp và Nhân dân trong công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT.
Biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 96; những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong đổi mới công tác truyền thông BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 96.
Hoài Anh