Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết trong xu thế hội nhập và phát triển, đạt các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất nông nghiệp là điều kiện cần và đủ để HTX xâm nhập các thị trường lớn, hướng tới xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 24 HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, VietFarm, Fairtrade, Organic… Các HTX đã bước đầu xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan...
Xu thế phù hợp
Thành lập vào tháng 5/2018, HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên (thôn 8, xã Thuận Hà, Đắk Song) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hồ tiêu. Sau khi liên kết các thành viên sản xuất hồ tiêu trên địa bàn lại, hình thành vùng nguyên liệu trên diện tích 200 ha, 35 thành viên HTX đã áp dụng quy trình sản xuất an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.
Vườn tiêu được trồng theo phương pháp hữu cơ của HTX Hoàng Nguyên |
Các thành viên trồng tiêu phải sử dụng trụ sống, bón 100% phân chuồng đã ủ hoai mục với nấm trichoderma, ngoài ra các thành viên còn tự ủ phân cá để bón cho tiêu. Định kỳ hàng năm, các thành viên phải rải vôi bột 2 lần trên bề mặt vườn cây để chống nấm xâm nhập, hạn chế mầm bệnh.
Ngoài chú trọng đến khâu chăm sóc, khâu sau thu hoạch cũng được HTX quan tâm. Để tiêu bảo đảm chất lượng không bị lẫn tạp chất, các thành viên trong HTX đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà kính để làm sân phơi hồ tiêu với diện tích 100 – 800m2. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình từ sản xuất cho đến thu hoạch, chế biến mà tiêu của HTX đã được cấp chứng nhận Organic.
Bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX cho biết tiêu đạt chuẩn Organic được bán với giá 110 ngàn đồng/kg, cao hơn nhiều lần giá thị trường hiện nay. Việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn sức khỏe cho người sử dụng mà còn góp phần bảo vệ môi trường bền vững và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Mở rộng xuất khẩu
Cũng tập hợp những nông dân có tâm huyết với cây cà phê để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (xã Thuận An, Đắk Mil) đã xây dựng được vùng nguyên liệu khoảng 1.000 ha cà phê. Vùng nguyên liệu này cũng được sản xuất theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Thương mại công bằng (Fairtrade) và thu hút hơn 132 thành viên tham gia.
HTX Công Bằng Thuận An đã xây dựng được vùng nguyên liệu khoảng 1.000 ha cà phê |
Nhờ mạnh dạn chuyển giao kỹ thuật và tích cực kiểm tra, giám sát việc sản xuất cà phê theo quy trình, tiêu chuẩn của Thương mại công bằng (Fairtrade) mà năng suất cà phê của HTX được nâng lên, trung bình đạt từ 3-5 tấn/ha.
Khi thu hoạch, tỷ lệ cà phê chín chiếm trên 90% và được phơi, sấy, đóng bao bì bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Vụ cà phê năm 2019, HTX đã xuất khẩu được gần 400 tấn cà phê nhân, tổng doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng.
Các thành viên tham gia HTX được cộng thêm 5.000-8.000 đồng/kg so với giá cà phê trên thị trường và được Tổ chức thương mại công bằng thế giới hỗ trợ đầu tư các công trình phúc lợi 450 USD/tấn.
Ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc HTX chia sẻ việc áp dụng theo quy trình đạt chuẩn quốc tế không những xuất khẩu được sản phẩm, mà còn tiết kiệm được chi phí vật tư, phân bón, tưới nước, bảo vệ thực vật cho chăm sóc vườn cây. Sản phẩm sau thu hoạch được nhiều khách hàng tin dùng, rất thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm. Ngoài mở rộng và phát triển thị trường trong nước, HTX có nhiều tiềm năng để xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính.
Ngoài 2 HTX trên, Liên hiệp HTX Nông nghiệp thương mại Công Bằng Việt Nam do 5 thành viên là các HTX tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum cũng đã xuất khẩu được 2.000 tấn cà phê, hiện đang tiếp tục mở rộng sang sản phẩm cây ăn quả; HTX Hợp lực Đắk Nông chuyên sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản trên cơ sở mở rộng mô hình xuất khẩu chanh dây của HTX Nông lâm nghiệp thương mại dịch vụ Tia Sáng sang thị trường Hàn Quốc đã đạt doanh thu mỗi năm 20 tỷ đồng. Hiện nay, các HTX đang tạo vùng nguyên liệu mới và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thu Huyền