Tây Giang là huyện giáp biên giới, phần lớn dân tộc Cơ Tu sinh sống, hộ nghèo chiếm tỷ cao nên công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy, chính quyền từ thôn đến huyện Tây Giang quan tâm.
Đi đầu từ cây dược liệu
Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là Tây Giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển cây dược liệu. Bên cạnh đó, người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Việc tập trung phát triển cây dược liệu là một hướng đi cụ thể để giúp người dân giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Ông Alăng Lơ, ở thôn Achoong, xã Ch’ơm, cho biết: Trước đây gia đình ông trồng keo, thu nhập không cao. Từ nguồn vốn hỗ trợ và kinh nghiệm được tập huấn, gia đình đã chuyển sang trồng cây đẳng sâm. Đến thời điểm này tổng diện tích trồng cây đẳng sâm của gia đình là 5ha. Sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi năm đem lại lãi ròng cho gia đình 140-150 triệu đồng.
![]() |
Tây Giang đang tập trung trồng và chế biến dược liệu để giảm nghèo |
Hiện nay, Tây Giang tập trung phát triển 2 loại cây dược liệu chính là đẳng sâm, ba kích. Ông Lê Hoàng Linh – Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết hiện nay trên địa bàn huyện có 941ha trồng cây dược liệu, với khoảng hơn 1.000 hộ tham gia, trồng hai loại cây chủ yếu là cây đẳng sâm và cây ba kích. Trong đó, cây đẳng sâm tập trung chủ yếu tại các xã Ch’ơm và Gari,l; cây ba kích tập trung chủ yếu ở xã Lăng.
Phát triển trồng cây dược liệu, đã “kích thích” được nền kinh tế của Tây Giang, giúp hàng nghìn hộ dân có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu. Nếu như trước đây, nhiều hộ đã tăng thu nhập, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Huyện Tây Giang sẽ tiếp tục khuyến khích, nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu. Đồng thời kêu gọi các HTX, các công ty dược liên kết sản xuất, tạo thành chuỗi liên kết, nhằm nâng cao thu nhập cho bà con.
Kích thích giảm nghèo
Để mang lại hiệu quả tổng thể, bên cạnh phát triển cây dược liệu, huyện Tây Giang còn tích cực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nhờ vào thế mạnh của từng xã, bản. Huyện cũng tập trung quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, ổn định cuộc sống cho bà con xuống ở vùng thấp và tập trung, có khu nhà ở và khu sản xuất riêng biệt, không còn tình trạng chăn nuôi gia súc ngay sát nhà.
Được thiên nhiên ưu đãi, huyện đã có kế hoạch thu hút một số công ty lữ hành du lịch đưa các tour du lịch từ Hội An, Đà Nẵng đến tham quan quan các điểm du lịch văn hóa trên địa bàn huyện, như: Làng truyền thống Cơ – tu, khu du lịch sinh thái Đỉnh Quế, thôn văn hóa Pơr’ning, địa đạo Axòo, ruộng bậc thang Chuôr, rừng cây di sản Pơmu, rừng cây hoa đỗ quyên… Trong đó, người dân cũng tham gia vào việc phát triển du lịch cùng chính quyền địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2018, huyện Tây Giang đã đón trên 4.250 lượt khách đến tham quan.
Với những giải pháp thiết thực, từ năm 2016 đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của huyện Tây Giang giảm từ 46,32% (năm 2016) xuống còn 43,14% (năm 2018). Điều này đã phần nào khẳng định sự nỗ lực rất lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giảm nghèo ở huyện Tây Giang.
Thực tế khi triển khai hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống từ nguồn vốn 30a đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, số hộ nghèo bình quân hàng năm giảm dần. Chỉ tính riêng năm 2018, hộ nghèo ở Tây Giang giảm 206 hộ, giảm 5,26% so với năm 2017. Đặc biệt ý thức giảm nghèo, chủ động vươn lên của người dân đã được nâng lên. Tình trạng lười lao động, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước đã giảm.
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, chia sẻ huyện đang đẩy mạnh vận động hộ nghèo, cận nghèo thay đổi nhận thức, khắc phục tình trạng lười lao động, ngại xa nhà, xa quê, xa rừng để đi làm ăn xa phát triển kinh tế; vận động hộ nghèo có điều kiện (đất đai, lao động,…) đăng ký tham gia phong trào thoát nghèo bền vững nhằm phấn đấu hết năm 2019, huyện giảm 224 hộ nghèo, dưới 37,66% (giảm 4,5 - 5,5% so với năm 2017).
Từ thực tế của quá trình xóa đói giảm nghèo ở huyện miền núi biên giới Tây Giang cho thấy, để các thôn của đồng bào Cơ Tu ngày càng khởi sắc, việc triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế những vùng này cần song hành với vấn đề nâng cao dân trí cho hộ đồng bào. Có như vậy công tác xóa đói giảm nghèo mới đến đích bền vững.
Bên cạnh đó cần thực hiện tốt hơn nữa vấn đề "tam nông" như Nghị quyết 06 của Huyện ủy Tây Giang đã đề ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao dân trí. Một khi trình độ dân trí được nâng cao, người dân có những suy nghĩ mới, cách làm mới và mạnh dạn áp dụng kỹ thuật vào trong sản xuất thì đời sống sẽ khấm khá lên, cái đói cái nghèo sẽ không còn nữa.
Như Yến