Tính đến ngày 31/12/2018, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ - BNN) tại các doanh nghiệp (DN) ở Hải Phòng là 747.187 triệu đồng (bao gồm cả nợ lãi chậm đóng 257.678 triệu đồng), bằng 8,18% số phải thu của năm 2018, trong đó, số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN phải tính lãi là 250.324 triệu đồng, bằng 2,73% số phải thu của năm 2018 và số tiền nợ của ngân sách địa phương mua thẻ BHYT là 1.834 triệu đồng.
Nhiều biện pháp nhưng chưa đủ mạnh
Ngoài ra, số tiền nợ của 587 đơn vị tạm dừng giao dịch, chủ bỏ trốn, bị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh là 128.524 triệu đồng (nợ lãi chậm đóng 32.863 triệu đồng); số tiền nợ của các đơn vị có số tháng nợ BHXH dưới 1 tháng là 13.285 triệu đồng.
Điều đáng buồn, số tiền nợ của 7 đơn vị thuộc tập đoàn Vinashin khó có khả năng thu hồi là 276.893 triệu đồng, trong đó số tiền nợ chỉ tính đến ngày 31/12/2012 đã là 143.521 triệu đồng và số tiền lãi chậm đóng là 125.719 triệu đồng.
Còn số tiền nợ của 5 đơn vị thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (công ty CP Lilama 69/2, công ty CP Lisemco, công ty CP Lisemco 5, công ty CP Lisemco 3, công ty CP Cơ khí xây dựng AMECC) là 96.926 triệu đồng (bao gồm cả nợ lãi chậm đóng là 41.261 triệu đồng).
Được biết, BHXH Hải Phòng đã tăng cường bám sát đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ), đôn đốc thu hàng tháng, quý; có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng cán bộ, viên chức trong việc kiểm tra, đối chiếu, đôn đốc thu nợ và khai thác phát triển đối tượng với phương châm “tăng thu, giảm nợ”; giao chỉ tiêu kế hoạch thu và giảm nợ cho BHXH các quận, huyện.
Đơn vị cũng triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, BHXH Việt Nam, BHXH Tp.Hải Phòng đến cán bộ làm công tác thu và các đơn vị SDLĐ để thực hiện đúng quy định.
Chủ động đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính từ khâu nhận hồ sơ đến khâu trả kết quả, chuyển đổi từ tác phong hành chính sang tác phong phục vụ, tạo môi trường làm việc thân thiện cho các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch.
Phối hợp với các cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền, phổ biến Luật BHXH, Luật BHYT và vận động các hội viên tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình.
Đồng thời, BHXH Hải Phòng đã phối hợp với các sở, ban, ngành để kiểm tra các đơn vị SDLĐ nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ - BNN và trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên kết quả của việc thu nợ đọng, tăng đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho NLĐ vẫn còn hạn chế.
Bệnh viện quận Hải An khám bệnh cho người tham gia BHXH |
Kiến nghị giải pháp
Sau thanh tra, kiểm tra, BHXH Hải Phòng và BHXH các quận, huyện đã tích cực đôn đốc, lập hồ sơ và khởi kiện, kiến nghị xử phạt hành chính trong lĩnh vực BHXH.
Một số đơn vị SDLĐ, sau khi Thanh tra Sở LĐTB&XH Hải Phòng, Chủ tịch UBND các quận, huyện đã xử phạt vi phạm hành chính nhưng cũng chậm chuyển biến trong việc nộp tiền nợ đọng các loại và đóng bảo hiểm cho NLĐ.
Với thực trạng một số chủ DN tìm cách đối phó, trốn tránh hoặc chiếm dụng tiền đóng các loại bảo hiểm của NLĐ, cùng với các biện pháp, BHXH Hải Phòng nên phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các ngành, các cơ quan có thẩm quyền (nhất là khu vực ngoài quốc doanh) để phát triển và quản lý đối tượng phải nộp bảo hiểm cho NLĐ.
Ví như phối hợp với Sở KH&ĐT về việc đăng ký và đăng ký lại DN. Tăng cường tuyên truyền để NLĐ hiểu biết về pháp luật quyền lợi khi tham gia bảo hiểm.
BHXH thành phố kiến nghị Bộ Tài chính sớm tham mưu cho Chính phủ có cơ chế, chính sách để tăng hỗ trợ mức đóng BHYT đối với hộ gia đình tham gia BHYT, nhất là khu vực nông thôn; nâng tỷ lệ phần trăm mức chi thù lao cho tổ chức làm đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình…
Vũ Trang