Tại hội nghị tiếp xúc cử tri công nhân lao động của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM, nhiều cán bộ công đoàn phản ánh tình trạng công nhân xin nghỉ việc để chờ năm sau rút BHXH một lần khi nghe thông tin đề xuất thay đổi quy định hưởng BHXH một lần.
Hệ lụy của thông tin thất thiệt
Người lao động không rành pháp luật, chỉ thấy trên mạng xã hội lan truyền các thông tin như từ năm 2025 sẽ không được rút BHXH một lần, hoặc được rút thì chỉ được rút 50%... là tin tưởng ngay.
![]() |
Có tình trạng nhiều công nhân xin nghỉ việc để chờ năm sau rút BHXH một lần khi nghe thông tin đề xuất thay đổi quy định hưởng BHXH một lần. |
Những thông tin trên tác động tiêu cực đến quyết định của người lao động. Nhiều người đang làm việc ổn định, đóng BHXH lâu năm cũng quyết liệt xin nghỉ, chấm dứt hợp đồng lao động rồi sau đó xin làm theo dạng thời vụ không đóng BHXH, chờ sang năm để hưởng tiền BHXH một lần.
Theo Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), giai đoạn 2016-2022, các cơ quan chức năng trên cả nước ghi nhận gần 5 triệu lượt người rút BHXH một lần, sau đó, chỉ có 1,3 triệu người trở lại hệ thống. Từ đầu năm 2023 đến nay, số người nhận BHXH một lần tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đáng lo ngại, người rút BHXH một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40,4%); tiếp đó, nhóm tuổi từ trên 20 đến đủ 30 tuổi đứng thứ hai (chiếm khoảng 37,1%); còn nhóm tuổi từ trên 60 tuổi chỉ chiếm khoảng 1,1%... Điều này đồng nghĩa, đa số người rút BHXH một lần trong độ tuổi lao động sẽ kéo theo nhiều vấn đề xã hội, dân sinh cần giải quyết cho chính bản thân họ và xã hội.
Lý giải tình trạng người lao động rút BHXH một lần gia tăng, nhiều ý kiến nhận định, ngoài lý do gặp khó khăn về việc làm, thu nhập, buộc họ phải lấy trước khoản tích lũy cho tuổi già để trang trải cho cuộc sống trước mắt, thì có nguyên nhân khác là rút BHXH một lần để…“chạy luật”.
Cụ thể, thời gian gần đây, dư luận lan truyền thông tin cho rằng, từ năm 2025, khi Luật BHXH có hiệu lực, người lao động sẽ không được rút BHXH một lần hoặc chỉ được rút một phần. Do chưa hiểu rõ, hiểu đúng bản chất của vấn đề, không ít người đã rút BHXH một lần cho… chắc ăn.
Người lao động cần hiểu đúng về chính sách
Việc tin theo thông tin thất thiệt trên có thể khiến nhiều người lao động rơi vào tình cảnh thiệt thòi. Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, đã giải thích cho người lao động hiểu rõ hơn về 2 phương án giải quyết hưởng BHXH một lần mà dự án Luật BHXH sửa đổi đề xuất.
![]() |
Công tác truyền thông BHXH tiếp tục được triển khai đa dạng, dưới nhiều hình thức. |
Người lao động nghĩ Luật BHXH sửa đổi đề xuất không cho rút BHXH một lần từ năm 2025, hoặc được rút thì chỉ được rút 50%... là hiểu chưa đầy đủ.
Thực tế, phương án 1 đề xuất quy định việc hưởng BHXH một lần cho 2 nhóm người lao động khác nhau. Nhóm thứ nhất là người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Tức là, 17,5 triệu người lao động đang tham gia BHXH vẫn có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần như quy định hiện hành, không có gì thay đổi, kể cả sau thời gian luật BHXH sửa đổi có hiệu lực.
Nhóm lao động thứ 2 là những người bắt đầu đi làm, tham gia BHXH từ khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần sau 12 tháng nghỉ việc như quy định hiện hành.
Nhóm lao động thứ 2 này chỉ được giải quyết yêu cầu rút BHXH một lần trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư; bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định…
Về phương án 2, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đề xuất cho người lao động được rút BHXH một lần theo các điều kiện như quy định hiện hành khi có yêu cầu. Tuy nhiên, người lao động chỉ được giải quyết một phần, tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng BHXH.
Trong trường hợp này, nhiều lao động thắc mắc 50% thời gian đóng BHXH còn lại của họ sẽ xử lý như thế nào. Theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, thời gian còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Ông lấy ví dụ, người lao động có thời gian tham gia BHXH 10 năm, muốn rút sẽ được giải quyết tối đa 5 năm và phần thời gian này coi như xóa bỏ vì đã hưởng hết quyền lợi. 5 năm còn lại được bảo lưu trong hệ thống, nếu người lao động đi làm lại và tiếp tục đóng BHXH thì được cộng nối tiếp để hưởng đầy đủ các chế độ BHXH.
Mục tiêu là có lương hưu khi về già
Đề cập đến tác động của việc hưởng BHXH một lần, Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ số người hưởng BHXH một lần gia tăng đồng nghĩa với mức độ bao phủ của hệ thống BHXH bị thu hẹp ở cả khía cạnh số người tham gia BHXH và số người hưởng lương hưu.
Xu hướng hưởng BHXH một lần gia tăng cũng sẽ tác động rất lớn đến tỷ lệ dân số già được hưởng hưu trí hàng tháng trong tương lai. Điều này có nghĩa là ngân sách Nhà nước sẽ phải chi nhiều hơn cho trợ cấp đối với người cao tuổi, những người không có lương hưu.
Với cá nhân người lao động, nếu hưởng BHXH một lần, không được hưởng lương hưu, đồng nghĩa với việc không được hưởng BHYT do quỹ BHXH đóng cho người lao động, điều này sẽ gây thêm khó khăn về kinh tế cho bản thân và gia đình
Mặt khác, hưởng BHXH một lần cũng có thể ngăn cản quyền được hưởng chế độ tuất của những thân nhân của người lao động vì các khoản trợ cấp tử tuất cũng yêu cầu một số năm đóng góp tối thiểu của người lao động khi qua đời.
"Như vậy, việc người lao động hưởng BHXH một lần là thiệt thòi hơn rất nhiều so với việc bảo lưu thời gian đóng để được hưởng lương hưu khi về già", theo Bộ LĐ-TB&XH.
Trong thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam luôn ưu tiên tập trung các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành liên quan; tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác truyền thông trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, công tác truyền thông tiếp tục được triển khai đa dạng, dưới nhiều hình thức, không chỉ truyền thông trên diện rộng, mang tính phổ quát mà còn có chiều sâu, truyền thông trực tiếp tới các nhóm chủ thể, truyền thông trực tiếp 1-1 đến từng hộ gia đình.
Đặc biệt, trong bối cảnh số người nhận BHXH một lần có xu hướng tăng, nhằm đảm bảo quyền lợi lâu dài, bền vững cho người lao động, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thủ tục hồ sơ, giấy tờ, tạo thuận lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách, BHXH Việt Nam còn tập trung tuyên truyền, đối thoại với người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; tư vấn trực tiếp tại bộ phận Một cửa của cơ quan BHXH cấp tỉnh/huyện và Tổng đài chăm sóc khách hàng của Ngành; đẩy mạnh truyền thông trên các cơ quan báo chí, qua Cổng Thông tin điện tử/Fanpage Facebook/Zalo OA của BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, trên Tạp chí BHXH… giúp người lao động hiểu được những thiệt thòi khi rút BHXH một lần để tiếp tục tích lũy, tham gia BHXH, BHYT với nhiều quyền lợi thiết thực.
Qua công tác truyền thông, tuyên truyền, giải thích chế độ chính sách và thực hiện nhiều giải pháp khác, trong khoảng 4,9 triệu lượt người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2016-2022 đã có khoảng 1,3 triệu người quay trở lại đóng BHXH, chiếm tỷ lệ gần 26,6% số người hưởng giai đoạn này. Trên thực tế, nhiều người lao động đến cơ quan BHXH làm thủ tục rút BHXH một lần nhưng được cán bộ tại bộ phận Một cửa tuyên truyền, giải thích thì đã từ bỏ ý định và bảo lưu thời gian đóng để khi có việc làm sẽ tiếp tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN hoặc chủ động đóng BHXH tự nguyện nhằm cộng nối thời gian để được hưởng lương hưu khi về già.
Nguyệt Ánh