Thống kê từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, việc triển khai thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đã giúp ngành BHXH đạt được những kết quả đáng ghi nhận, độ bao phủ tăng dần qua các năm và đảm bảo mục tiêu bao phủ toàn dân, quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế. Nếu như các năm 2009 và 2015, độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số, thì đến năm 2021 đã đạt 91%.
Hiệu quả nhờ cách thức tuyên tuyền
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, đánh giá đây là một trong những thành tựu có sự đóng góp không nhỏ của ngành BHXH Việt Nam. Song hành với đó, việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ.
Đến năm 2021, độ bao phủ BHYT đã đạt 91% dân số. |
Hàng năm, có hơn 100 triệu lượt người KCB BHYT được đảm bảo quyền lợi. Năm 2020-2021 do tác động của dịch COVID-19, quỹ BHYT đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng chống dịch COVID-19, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
Chị Nguyễn Thị Huế (Na Rì, Bắc Kạn), chia sẻ gia đình chị vốn làm nghề nông, chuyên trồng dong riềng cung cấp cho hợp tác xã trên địa bàn. Do vậy, trước đây, chị cứ nghĩ rằng mình ít đi đâu xa, quanh năm chỉ ở quê làm ruộng nên không cần thiết tham gia BHYT.
Tuy nhiên, cách đây 3 năm, sau khi cùng các thành viên trong hợp tác xã nông nghiệp đi nghe cán bộ tuyên truyền về lợi ích của việc mua BHYT. Chị đã mua thẻ BHYT cho cả gia đình. Đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn.
"Nhờ tham gia vào chính sách BHYT mà năm ngoái không may bị gãy xương đòn vai phải nằm viện phẫu thuật, phần lớn chi phí đều được bảo hiểm chi trả", chị Huế chia sẻ.
Thống kê cho thấy, đến 31/12/2021, toàn quốc có 27.342 hợp tác xã (18.327 hợp tác xã nông nghiệp, và 9.015 hợp tác xã phi nông nghiệp), thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Do vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách BHYT thông qua khu vực hợp tác xã sẽ rất hiệu quả, mức độ lan tỏa rộng, tiết kiệm được thời gian và chi phí hơn rất nhiều.
Nghiên cứu sửa đổi Luật BHYT
Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, việc thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức như: Độ bao phủ tuy rộng nhưng phát triển còn thiếu tính bền vững; Mức đóng BHYT xét về tỷ lệ/thu nhập là cao tuy nhiên vẫn còn khá thấp so với yêu cầu thực tiễn, trong khi quyền lợi liên tục được mở rộng, nâng cao cho người bệnh; Chưa đảm bảo sự hài hòa cân đối giữa năng lực của các cơ sở KCB, vẫn còn dòng người khá lớn đi KCB ở bên ngoài;… Phát sinh từ thực tiễn cho thấy còn nhiều bất cập từ luật BHYT, vì vậy phải có sửa đổi, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế này.
Đặc biệt, một trong những thách thức đặt ra là làm thế nào để đưa người lao động thuộc khu vực phi chính thức như nông dân, thành viên các hợp tác xã, người lao động tự do... tham gia vào chính sách BHYT?
Nhìn nhận từ thực tế trên, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, ông Kidong Park cho biết, BHYT toàn dân là mục tiêu chung của bất kỳ hệ thống y tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đáng chú ý, BHYT là một biện pháp hữu hiệu để bảo đảm khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu cho tất cả mọi người và bảo vệ tài chính cho tất cả mọi người khi sử dụng các dịch vụ y tế cần thiết.
“Việt Nam hiện đã có 91% dân số tham gia BHYT. Đây là một thành tích đáng ghi nhận", ông Kidong Park cho biết.
Theo ông Kidong Park, Việt Nam vẫn cần phấn đấu đạt 100% tỷ lệ bao phủ BHYT, nghĩa là đạt hơn 9% dân số còn lại, cũng như duy trì mức bao phủ hiện tại một cách bền vững là một ưu tiên trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHYT. Đồng thời, Việt Nam cần thực hiện chức năng bảo vệ tài chính của cơ chế BHYT mạnh mẽ hơn nữa.
"Tình trạng người bệnh tự thanh toán tiền viện phí vẫn còn rất cao và một số dữ liệu cho thấy nó đang có xu hướng ngày gia tăng. Để tiệm cận với mục tiêu BHYT toàn dân, Việt Nam cần tính tới cách thức đổi mới ngoài cách làm thông thường, để tiếp cận các khu vực phi chính thức bất kể họ làm gì, ở đâu, họ sẽ vẫn được đóng BHYT…", ông Kidong Park nhấn mạnh.
Tại Hội nghị tham vấn kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách và sửa đổi Luật BHXH mới đây, các chuyên gia đã cùng đánh giá tình hình triển khai thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT và vai trò của cơ quan quản lý quỹ trong việc tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách BHYT; những nội dung dự kiến sửa đổi Luật BHYT lần này; cũng như chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về vai trò, mô hình hoạt động, quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý quỹ BHYT; mô hình hoạt động của cơ quan giám định BHYT, kinh nghiệm tổ chức hoạt động giám định BHYT và khuyến nghị cho Việt Nam…
Nhật Linh