Tại văn bản góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mới đây, 13 hiệp hội ngành, nghề trong cả nước đã đề xuất tính lại tỷ lệ hưởng lương hưu cho lao động về hưu sớm. Theo các hiệp hội, tuổi hưu của người lao động (NLĐ) đang được điều chỉnh tăng theo lộ trình cho đến khi nam đạt 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035. Luật BHXH hiện hành quy định NLĐ được nghỉ hưu sớm tối đa 5 năm, song phải suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%.
Về hưu sớm, người lao động bị trừ 2% mức hưởng
Đồng thời, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, NLĐ bị trừ 2% mức hưởng. Các hiệp hội đánh giá quy định này không thực tiễn ở Việt Nam, bởi nhiều lao động đi làm và đóng BHXH sớm. Ở độ tuổi 50-55, sức khỏe họ giảm sút, không đủ khả năng đáp ứng công việc, khó tìm việc làm sau đó và cũng có thời gian đóng BHXH từ 20-30 năm.
13 hiệp hội ngành, nghề trong cả nước đề xuất tính lại tỷ lệ hưởng lương hưu cho lao động về hưu sớm. |
Như vậy, cả về thời gian và số tiền đóng cho BHXH là đã đủ lớn. Nếu chờ đợi đến đủ tuổi nghỉ hưu, NLĐ sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo chi tiêu cuộc sống và việc để người lớn tuổi về hưu sớm cũng để trao cơ hội cho lao động trẻ có nhiều cơ hội việc làm hơn.
Bên cạnh đó, các hiệp hội cho rằng quy định NLĐ nghỉ hưu sớm bị trừ 2% mỗi năm kể cả khi họ có thời gian đóng để đủ điều kiện hưởng mức tối đa (nam đóng trên 35 năm, nữ đóng trên 30 năm) là bất hợp lý, đồng thời khoản trợ cấp hưu trí một lần là 0,5 tháng lương bình quân đóng BHXH cho mỗi năm đóng BHXH vượt trần thời gian hưởng lương hưu tối đa là quá thấp.
Vì thế, các hiệp hội đề xuất trong trường hợp NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu sớm theo quy định và có thời gian đóng BHXH trên 20 năm, được quyền về hưu và mỗi năm về hưu sớm sẽ bị trừ đi một tháng lương hoặc cao nhất bị trừ không quá 1% như Luật BHXH năm 2006. Còn lao động đủ tuổi nghỉ hưu sớm (tối đa 5 năm so với tuổi nghỉ hưu) và đóng đủ 30 năm BHXH với nữ và 32 năm với nam thì được nghỉ hưu và hưởng mức tối đa 75%.
Được biết, từ năm 2016, tỷ lệ khấu trừ mức hưởng với người về hưu sớm là 2%, thay vì 1% như trước. Luật quy định lao động làm việc trong điều kiện bình thường muốn nghỉ hưu trước tuổi (lộ trình tăng dần nam đạt 62, nữ 60 tuổi) ngoài đóng đủ 20 năm BHXH phải có kết quả giám định suy giảm khả năng lao động 61% trở lên.
Thời gian nghỉ trước không quá 5 năm với người suy giảm từ 61% đến dưới 81% và không quá 10 tuổi với người suy giảm trên 81%. Với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, lao động sẽ bị trừ 2% tỷ lệ hưởng lương hưu.
Nếu suy giảm dưới 61%, lao động không đủ điều kiện về hưu sớm. Nếu vẫn muốn nghỉ việc thì thời gian đóng BHXH của lao động sẽ được bảo lưu trong hệ thống cho tới khi đủ tuổi mới được lĩnh lương hưu và không bị trừ % khi hưởng.
Ví dụ, năm 2023, lao động nữ 54 tuổi, tham gia BHXH 35 năm, bị suy giảm khả năng lao động 61%, chọn về hưu sớm trong khi đủ tuổi quy định phải là 56, người này sẽ được hưởng lương hưu 71% (bị trừ 4% do nghỉ sớm 2 năm) cùng khoản trợ cấp một lần là 2,5 lần bình quân tiền lương tính đóng BHXH cho 5 năm vượt khung.
Nếu lao động nam tích lũy trên 35 năm, nữ trên 30 năm BHXH thì ngoài lương hưu tối đa 75% sẽ được nhận trợ cấp một lần cho mỗi năm bằng 0,5 lần mức bình quân tiền lương tính đóng bảo hiểm. Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đề xuất người thuộc nhóm trên mà tiếp tục đóng BHXH thì trợ cấp cho mỗi năm vượt bằng 2 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng.
Người lao động cảm thấy thiệt thòi
Chị Nguyệt Mai (30 tuổi), công nhân tại một khu công nghiệp Hà Nội cho biết năm nay chị đã đóng bảo hiểm được 11 năm. “Từ ngày tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi đã đi làm công ty nên được đóng BHXH khá sớm. Tôi sẽ cố gắng đi làm trên 30 năm nếu lúc đó công ty không cho nghỉ việc và còn sức khỏe”, chị nói.
Việc khấu trừ tỷ lệ hưởng 2% khi lao động nghỉ hưu sớm khiến người tham gia BHXH thấy thiệt thòi. |
Một số ý kiến đề xuất Nhà nước nên có chế độ đặc biệt với những người đóng thừa năm BHXH.
Ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động Hà Nội, cho rằng việc khấu trừ tỷ lệ hưởng 2% khi lao động nghỉ hưu sớm khiến người tham gia thấy thiệt thòi. Trong khi đó, mỗi năm đóng vượt khung lại chỉ được trợ cấp 0,5 lần bình quân tiền lương tính đóng. Đây là nghịch lý, và nhiều lao động dù thấy bất lợi vẫn chọn "chốt sổ" về hưu sớm chứ không tha thiết ở lại hệ thống.
"Họ cảm thấy chưa công bằng giữa đóng và hưởng. Qua tiếp xúc cử tri, lao động mong muốn được hưởng khoản trợ cấp này phải đúng bằng số tiền đã đóng vào Quỹ hoặc ít nhất bằng 2 lần bình quân tiền lương đóng", ông Dưỡng nói. Ví dụ người đóng vượt khung 10 năm thì mức trợ cấp thấp nhất nên được hưởng phải là 20 tháng bình quân tiền đóng chứ không phải 5 tháng như luật hiện hành.
Theo ông, "được về hưu sớm" vẫn là trăn trở lớn nhất của lao động trực tiếp sản xuất. Tăng tuổi nghỉ hưu được quy định trong Bộ luật Lao động, song Luật BHXH vẫn có thể điều chỉnh về tuổi hưởng, điều kiện hưởng và cách tính lương hưu vì gắn với chế độ hưu trí, an sinh, chứ không nặng về quan hệ lao động.
Tuổi nghỉ hưu tăng lên 60-62 trong khi công nhân trực tiếp sản xuất khó bám trụ nhà máy ở tuổi 45-50. Nhiều người dù muốn ở lại cũng khó, do doanh nghiệp cắt giảm, thậm chí tìm cớ sắp xếp lại sản xuất, nhưng thực chất là sa thải lao động lớn tuổi. Nhiều người rời nhà máy, lo chạy ăn từng bữa chứ đừng nói là tiếp tục tham gia BHXH dù là tự nguyện. Lao động khi ấy thường chọn rút BHXH một lần chứ không chờ hưu trí.
Sửa luật để tăng tính hấp dẫn
Ông Dưỡng kiến nghị luật sửa đổi có thể tính tới phương án hoán đổi thời gian đóng vượt khung cho số năm còn thiếu với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi. Điều kiện ràng buộc là thời gian hoán đổi không quá 5 năm, chứ không tính cơ học đóng vượt khung 10 năm thì được quy đổi nghỉ hưu sớm 10 năm. Thực tế cho thấy, nhiều lao động đóng BHXH gần 40 năm, đã đủ thời gian hưởng tối đa 75% nhưng vẫn chưa đủ tuổi nghỉ hưu nên rất nản.
Ngoài ra, với những quỹ ngắn hạn như ốm đau thai sản, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp cần mở rộng người hưởng, tăng mức hưởng, giảm thủ tục hành chính để lao động dễ tiếp cận. "Sửa luật để tăng tính hấp dẫn, vì quyền lợi của lao động thì phải cho họ thấy rõ cái lợi đó, tự họ cân nhắc ở lại lâu dài với hệ thống", ông Dưỡng nêu quan điểm.
Tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng BHXH vượt quy định. Theo đó, người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Có 2 phương án về mức trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng BHXH vượt quy định được cơ quan soạn thảo đưa ra.
Phương án 1: Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Phương án 2: Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Đối với trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu mà tiếp tục đóng BHXH thì mỗi năm đóng BHXH sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, mức hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu cho mỗi năm đóng BHXH (sau số năm mà người lao động được tính hưởng theo tỷ lệ 75%) là 0,5 lần mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH hiện không còn phù hợp, không mang tính chất khuyến khích người lao động đóng BHXH trong thời gian dài.
Vì vậy, mức trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng BHXH sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ khuyến khích người lao động đóng BHXH trong thời gian dài để được hưởng lương hưu cao hơn.
Minh Anh