Theo Ủy ban, quy định giảm số năm đóng bảo hiểm để hưởng chế độ hưu trí sẽ hấp dẫn người lao động hơn. Như vậy, tỷ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH sẽ tăng trong trung và dài hạn.
Chính sách BHXH sẽ hấp dẫn hơn
Điều này tạo điều kiện cho người lao động nhiều tuổi có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH, cải thiện tính công bằng. Việc điều chỉnh giảm số năm tối thiểu đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu lần này là thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết số 28.
Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội tán thành đề xuất của Chính phủ liên quan đến giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. |
Theo đó, dự kiến giảm số năm đóng BHXH đối với nam từ 20 năm xuống 15 năm và mức hưởng tiền lương tối thiểu (mức sàn) đối với đối tượng này chỉ còn 33,75% so với mức lương đóng BHXH. Nếu đóng BHXH 20 năm sẽ là 45% như hiện hành; Đối với nữ là 15 năm và mức hưởng 45% như hiện hành. Điều này phù hợp Tờ trình và Hồ sơ dự án Luật khi giới hạn phạm vi sửa đổi lần này vẫn giữ nguyên công thức tính lương hưu.
Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết để khuyến khích người lao động có quá trình tham gia BHXH không liên tục bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống BHXH.
Khi hưởng mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng BHXH tối thiểu sẽ khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài và đầy đủ. Tuy nhiên, khi về già, người lao động có mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động và nhiều người cao tuổi được hưởng lợi từ chính sách này.
"Bài toán" giảm năm đóng, lương hưu sẽ thấp
Trên thực tế, việc giảm số năm đóng sẽ tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hàng tháng.
Với quy định nêu trên, mức lương hưu của những người này có thể thấp hơn những người có thời gian đóng dài nếu tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc hoặc thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện là như nhau. Tuy nhiên, những trường hợp này trước đây không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà chỉ được nhận BHXH một lần, nay sẽ có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng.
Việc giảm số năm đóng BHXH sẽ tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) |
Như vậy, cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ BHXH mua BHYT thì sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động.
Đánh giá tác động của đề xuất này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cách tính mức lương hưu của người nghỉ hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH.
Do vậy, việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người nghỉ hưu ở mức lương hưu thấp, đặc biệt là đối với những người tham gia BHXH tự nguyện ở mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện là 1.500.000 đồng/tháng.
"Nếu họ có thời gian tham gia vừa đủ 15 năm thì mức hưởng của người này khi nghỉ hưu sẽ khá thấp, chỉ nhỉnh hơn một chút so với trợ cấp hưu trí xã hội", báo cáo của Bộ LĐ-TB&LĐ từng chỉ ra.
Bà Hà Thị Phương Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty May Liên doanh Plummy cho rằng, khi sửa quy định giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ tạo điều kiện để người lao động đến gần hơn chế độ hưu trí. Hiện nay ở công ty, nhiều lao động làm việc và đóng BHXH được 15 năm nhưng do độ tuổi và việc làm ít nên có mong muốn ra ngoài làm việc. Theo tìm hiểu, không ít trong số này đã rút BHXH một lần vì thấy chờ đến khi đủ tuổi hưởng lương hưu thì quá lâu. Chưa kể, trước mắt họ phải lo cơm áo gạo tiền và hưởng BHXH một lần sẽ có một khoản để trang trải cho cuộc sống hiện tại.
“Tôi đồng ý với đề xuất này, tuy nhiên vẫn mong muốn cần có sự cân nhắc tới cả quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động, đặc biệt là lao động làm việc trong các DN sản xuất”, bà Phương Anh nói.
Cần bổ sung thêm chính sách hỗ trợ
Các cán bộ công đoàn cơ sở, người lao động băn khoăn khi đóng BHXH 15 năm thì mức lương hưu sẽ rất thấp (lao động nữ tỷ lệ hưởng lương hưu 45%, nam 33,75%), khó có thể bảo đảm mức sống tối thiểu khi về già. Vì thế, họ rất mong Chính phủ có tính toán mức lương hưu cũng như có sự chia sẻ để người lao động khi về hưu có lương hưu đủ sống.
Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần phải giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về khía cạnh chia sẻ của BHXH, khía cạnh kinh tế của vấn đề hay việc thay đổi quan điểm về mức sàn an sinh xã hội tối thiểu khi sửa đổi Luật lần này.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần thể hiện rõ quan điểm về lương hưu của một số nhóm lao động (bán chuyên trách xã, thôn) sẽ hưởng mức lương hưu thấp hơn chuẩn nghèo. Khi đó, có cần điều chỉnh để nhóm đối tượng trên được hưởng cao hơn không và dự báo về nguồn ngân sách sẽ chi trả.
Về việc này, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng: "Khi giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm thì mức lương hưu thấp, do phụ thuộc quan hệ đóng – hưởng (đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít). Khi mức lương hưu thấp thì không có ý nghĩa trong cuộc sống. Do đó, sau này, với một bộ phận nhỏ những người có lương hưu thấp, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ tăng lương được lấy từ nguồn Quỹ BHXH để giúp họ bảo đảm cuộc sống khi về già".
Đánh giá cao nhiều điểm mới trong dự luật, đặc biệt là việc cân nhắc giảm thời gian người lao động đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, một trong những nguyên nhân khiến người lao động rút BHXH một lần là vì thời gian đóng để hưởng BHXH quá dài. "Thực tiễn cũng dài, mà so với thông lệ quốc tế cũng dài" - Chủ tịch Quốc hội nhận xét. Và phân tích thêm, trong lúc khó khăn, ví dụ như thời kỳ đại dịch, thì giữa 20 năm sau với trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết 28 hướng tới lộ trình đóng BHXH 10 năm sẽ được hưởng lương hưu, nhưng cũng có đoạn trung gian là 10, 15 năm. Vì thế, dự án luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết để hướng tới mục tiêu sau này là 10 năm. Dự án luật đã đưa ra 2 phương án về rút BHXH một lần và cơ quan thẩm tra đã đưa ra 5 quan điểm. Mỗi phương án theo Tờ trình của Chính phủ phân tích có ưu điểm và các mặt khác nhau, trong đó phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn.
Minh Trang