Bà Trần Thị Hoa trú tại phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ, làm nghề lao động tự do. Trong một lần tình cờ nghe được buổi tuyên truyền của cán bộ BHXH thành phố, bà tìm đến đại lý thu BHXH tự nguyện tại địa phương để xin tư vấn, sau đó quyết định tham gia gói BHXH dành cho người cao tuổi.
Vui sống vì có lương hưu
Chia sẻ về gói BHXH của mình, bà Hoa cho biết người tham gia đóng BHXH tự nguyện trong vòng 5 năm, nếu không may qua đời thì thân nhân được hưởng tiền mai táng phí và nhận lại một phần số tiền đã đóng theo quy định. Quan trọng nhất, theo bà, ở tuổi gần 80, bệnh tật là nỗi lo lớn nhất.
“Nhưng nay tham gia BHXH rồi, tôi được cấp thẻ BHYT miễn phí, đi khám chữa bệnh gần như không mất tiền. Qua đó, cũng không còn lo gánh nặng, tốn kém cho các con, các cháu. Giá như tôi biết đến chính sách này sớm hơn thì hay biết mấy, có khó khăn đến đâu thì tôi vẫn cố gắng tiết kiệm để đóng”, bà Hoa tâm sự.
Ngày càng nhiều lao động khu vực phi chính thức ở Quảng Nam tiếp cận với chính sách BHXH tự nguyện. |
Cũng đang sinh sống ở thành phố Tam Kỳ, bà Ung Thị Tỉnh may mắn biết đến chính sách BHXH tự nguyện sớm và tình nguyện tìm đến đại lý thu để tham gia vào lưới an sinh của Nhà nước.
Trước đây, bà Tỉnh làm việc cho một doanh nghiệp may ở Quảng Nam được 10 năm, đến năm 2000 nghỉ việc và nhận BHXH một lần. Sau đó, bà Tỉnh xin vào làm tại một trường nghề, đóng BHXH bắt buộc được hơn 11 năm thì đến tuổi nghỉ hưu, nhưng lần này bà không rút BHXH một lần nữa.
“Lần đầu, khi đó chưa có chính sách BHXH tự nguyện nên tôi bắt buộc phải rút một lần. Ở lần thứ hai, sau khi tìm hiểu lợi ích của chính sách, lại được sự ủng hộ của chồng, tôi đã quyết định đóng BHXH tự nguyện một lần để hưởng lương hưu”, bà Tỉnh chia sẻ.
Tháng 7/2021, bà Tỉnh đóng BHXH tự nguyện (gói đóng một lần) thì đến tháng 8/2022, bà nhận tháng lương hưu đầu tiên. Kể từ đó đến nay, bà luôn hài lòng với chính sách BHXH tự nguyện đầy nhân văn của Nhà nước khi tạo điều kiện cho người lao động tự do đóng bảo hiểm.
Những nhịp cầu nối
Nhận thấy niềm vui từ BHXH tự nguyện đem lại, từ đó bà Tỉnh trở thành “tình nguyện viên” của đại lý thu. Bà vận động phụ nữ ở địa phương tham gia BHXH tự nguyện để được nhận lương hưu, có thêm sự an tâm khi tuổi về chiều.
“Với chính sách BHXH tự nguyện thì ai cũng có thể có lương hưu để tự chủ đời sống, tinh thần và cuộc sống sẽ thoải mái hơn. Hơn nữa, lại có BHYT để được chăm sóc sức khỏe, không lo lắng trở thành gánh nặng cho con cháu, tạo áp lực cho xã hội”, bà Tỉnh nói thêm.
Có một thực tế đáng mừng là ngày càng nhiều lao động khu vực phi chính thức trên địa bàn tỉnh Quảng Nam biết đến chính sách BHXH tự nguyện nhờ các đại lý thu, nhất là đại lý thu ở xã, phường, thị trấn.
Đại diện BHXH Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh hiện có 210 đại lý thu BHXH tự nguyện với 717 nhân viên đại lý thu, trong đó có 199 đại lý thu xã, phường, thị trấn với 321 người. Ngoài ra, còn có các đại lý thu bưu điện, hội nông dân, trung tâm y tế…
Tham gia BHXH tự nguyện đảm bảo quyền lợi về lâu dài cho người lao động tự do. |
Các đại lý thu, tuyên truyền viên chính là một trong những nhịp cầu nối giữa chính sách với người dân trên địa bàn tỉnh. Điển hình như bà Phạm Thị Thức, đại lý thu phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ kể có những hôm trời tối, lạnh, mà người dân cần tư vấn hoặc nộp tiền, là bà tranh thủ đi ngay.
Bởi theo bà Thức, người làm đại lý thu thì không bao giờ được ngại khó, ngại khổ, việc làm ngoài giờ thị lại càng là chuyện thường xuyên. Bởi, ban ngày, người dân đi làm, chỉ khi hết giờ làm việc, cán bộ BHXH mới có cơ hội được tiếp cận, tuyên truyền về chính sách an sinh của Nhà nước.
“Bên cạnh việc thường xuyên đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền chính sách, chúng tôi cần phải hiểu thật sâu sắc về chính sách để có thể giải đáp thắc mắc một cách thấu tình đạt lý để thuyết phục người dân tham gia vào lưới an sinh”, bà Thức chia sẻ.
Tương tự bà Thức, nhiều đại lý thu có những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia chính sách BHXH tự nguyện. Trên hết là làm với tinh thần không để khách hàng chờ đợi và làm những gì có có lợi cho người đóng phí. Có trường hợp đến kỳ đóng phí nhưng người nộp chưa chuẩn bị kịp và nhờ đại lý thu hỗ trợ thì các đại lý vẫn sẵn sàng.
Lan tỏa chính sách an sinh
Theo lãnh đạo BHXH tỉnh Quảng Nam, trong 3 năm qua, hàng trăm người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh đã nhận được lương hưu. Trong đó, hầu hết là những trường hợp tham gia BHXH tự nguyện cách nay hơn 10 năm. Khi kinh tế khá giả, họ thường chọn đóng một lần cho những năm còn thiếu.
Kết quả thống kê cho thấy trong thời gian tới, số lượng lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ tăng mạnh. Bởi, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện thời gian hơn 10 năm trên địa bàn tỉnh đang là khá lớn.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Quảng Nam có 1.473.435 người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 13.833 người so với cuối năm 2022, đạt 100,07% kế hoạch giao, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 96,55%.
BHXH tỉnh thu được 2.723,877 tỷ đồng, đạt 52,19% kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao, tăng 9,21% so với cùng kỳ năm 2022.
Công tác chi chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện đa dạng, linh hoạt; đẩy mạnh phương thức chi trả không dùng tiền mặt, đến hết tháng 7/2023 có 55,82% người nhận các chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đạt 101,5% kế hoạch BHXH Việt Nam giao năm 2023; có 88,83% chi trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị đạt 104,5% kế hoạch; người hưởng chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp hài lòng về cách thức tổ chức chi trả, thời gian, cơ sở vật chất và thái độ phục vụ…
Để đạt kế hoạch năm 2023 đã đề ra, từ nay đến cuối năm, BHXH tỉnh Quảng Nam tăng cường phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó trọng tâm là BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình nhằm duy trì và phát triển người tham gia trên địa bàn tỉnh.
Lệ Chi