Ông Trần Văn Muộn (trú tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam) có thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Hợp tác xã Giao thông vận tải Đại Lộc là 17 năm 11 tháng. Vừa qua, khi đến cơ quan BHXH huyện Đại Lộc để rút BHXH một lần, được viên chức BHXH huyện Đại Lộc tư vấn, ông Muộn đã thay đổi ý định.
Thay đổi quyết định rút bảo hiểm một lần
Trong những ngày đầu của tháng cuối năm, số lượng người lao động đến cơ quan BHXH huyện Đại Lộc để lĩnh bảo hiểm một lần khá đông. Khi tình hình dịch bệnh còn kéo dài và diễn biến phức tạp, người lao động mất việc làm thì việc rút bảo hiểm được coi như là phao cứu sinh để trang trải cuộc sống.
Người lao động sẽ nhận được nhiều quyền lợi hơn nếu ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội. |
Trước tình hình đó, lãnh đạo BHXH huyện đã chỉ đạo viên chức trong đơn vị, nhất là cán bộ nhân viên tại bộ phận một cửa tích cực tuyên truyền, thuyết phục để người lao động hiểu rõ được lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện và thay đổi ý định. Song song với việc vận động những người trẻ tuổi bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thì với những người lao động đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc trước đó, duy trì thành quả tham gia bảo hiểm cũng là một vấn đề cần được lưu tâm.
"Tôi già rồi, đâu có biết về chính sách này, chỉ đóng thêm mấy năm nữa là đủ điều kiện để sau được hưởng lương hưu. May mấy anh chị tư vấn kịp thời chứ không tôi rút tiền ra tiêu, sau này không biết có làm ra không", ông Muộn chia sẻ với lãnh đạo BHXH huyện Đại Lộc.
Chị Trương Thị Huân (TP.Vĩnh Yên - tỉnh Vĩnh Phúc), cho biết vừa xin nghỉ ở trường mầm non tư thục để kinh doanh tại nhà. Với số năm đóng bảo hiểm bắt buộc là hơn 2 năm, chị đã có ý định rút bảo hiểm một lần, sau đó sẽ chuyển sang tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Tuy nhiên, chị Huân đã thay đổi hoàn toàn ý định khi được nhân viên BHXH tư vấn rằng thiệt nhiều hơn lợi và quyết định tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để nhận lương hưu, đảm bảo cuộc sống khi về già.
Có thể thấy, nếu đẩy mạnh tuyên truyền thì rõ ràng nhiều người lao động sẽ nhận ra được lợi ích từ chính sách BHXH, tuy nhiên nhìn trên bức tranh thực tế thì số người rút bảo hiểm một lần còn lớn.
Theo BHXH Việt Nam, đến hết tháng 11/2021, cả nước có hơn 791.300 người hưởng BHXH một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm nay và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu do người lao động mất việc làm vì dịch COVID-19, đời sống người lao động gặp khó khăn, BHXH trở thành một khoản tiền có thể rút để trang trải cuộc sống trước mắt. Hậu quả, người lao động khi hết tuổi làm việc không có lương hưu, mục tiêu an sinh toàn dân, tất cả người hết tuổi lao động có lương hưu khó đạt được.
Thêm quyền lợi
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết tỷ lệ hưởng BHXH một lần những năm qua không thấp, gần tương đương số tham gia mới. Do đó, chính sách cần đảm bảo quyền lợi người lao động, nhưng cũng cần linh hoạt, thêm quyền lợi để người lao động tự nguyện ở lại hệ thống.
Ông Liệu đề xuất sửa quy định ưu tiên để người lao động ở lại hệ thống BHXH, ví dụ như ai tham gia BHXH được mua nhà ở xã hội, được hưởng hỗ trợ (như hỗ trợ vì bị ảnh hưởng dịch COVID-19), nếu không tham gia sẽ không được; doanh nghiệp đóng đầy đủ BHXH sẽ được ưu đãi khi vay vốn, giảm tiền thuê đất...
Cũng có thể thêm quy định người lao động còn trẻ chỉ được rút tiền BHXH mình đóng, phần doanh nghiệp đóng (với BHXH bắt buộc), hoặc Nhà nước hỗ trợ (với BHXH tự nguyện) phải tới tuổi nghỉ hưu mới được rút, hoặc đóng để có lương hưu.
Ngoài ra, cũng có thể cho người lao động mất việc làm được vay ưu đãi số tiền bằng 50-70% số tiền đã đóng BHXH, thế chấp bằng số tiền đã đóng, sau này có việc làm sẽ trả nợ và đóng tiếp BHXH. Trường hợp không trả được sẽ mất số tiền đã đóng.
Qua khảo sát với lao động thuộc khu vực phi chính thức, PGS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết thực tế nhiều người lao động còn lưỡng lự tham gia BHXH tự nguyện vì chỉ có hai chế độ dài hạn (hưu trí và tử tuất), trong khi quyền lợi sát sườn (như ốm đau, thai sản hay hỗ trợ khi tai nạn lao động, thất nghiệp) lại không có. Trải qua đợt dịch kéo dài, họ mất việc làm, hết sinh kế và cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp dù tham gia BHXH tự nguyện.
Trong khi đó, lao động phi chính thức chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động - chính là nhóm mà BHXH tự nguyện cần hướng tới để tăng độ bao phủ, nhưng tỷ lệ tham gia lại thấp. Hai năm qua, lực lượng này lại tăng mạnh do tác động của COVID-19. Khoảng 55% số người trong độ tuổi lao động, tương đương 27,5 triệu người không có hợp đồng, không tham gia BHXH, nghĩa là họ không có lưới an sinh bao phủ.
Vì vậy, PGS.TS Giang Thanh Long đề xuất: Chính phủ nên thiết kế một hệ thống hưu trí đa tầng với công thức hưởng khác nhau. Tầng dưới cùng dành cho lao động hưởng lương hưu dựa trên những năm đóng BHXH ở mức thu nhập tối thiểu. Hưu trí tầng này do Nhà nước phụ trách, hưởng dưới mức lương tối thiểu thì bù thêm. Tầng hai là những người đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn làm việc, có thu nhập và tiếp tục tham gia BHXH theo nguyên tắc chia sẻ chung. Nhóm này tự chọn tuổi nghỉ hưu và mức hưởng tương xứng tuổi nghỉ. Tầng trên cùng dành cho những người đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu như hình thức tài khoản cá nhân.
Với BHXH tự nguyện, cần bổ sung các chính sách thiết thực mà lao động cần, như thai sản, trợ cấp thất nghiệp... để mở rộng diện bao phủ vì đây là khu vực tiềm năng.
Thy Lê