Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của Hợp tác xã (HTX) Mây tre lá Ba Nhất (quận Bình Thạnh, TP. HCM). Theo đó, HTX phải tạm ngưng phần lớn hoạt động sản xuất ở 2 nhà máy tại TP. HCM, Bình Dương và cho người lao động tạm ngừng việc kể từ khi 2 địa phương này áp dụng Chỉ thị 16. Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ giao hàng cho đối tác, HTX phải giữ lại một bộ phận người lao động làm việc. Toàn bộ số lao động này được bố trí ở khu lưu trú nhà máy tại tỉnh Bình Dương.
Kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ
Ông Phạm Như Huỳnh, Chủ tịch Công đoàn HTX Mây tre lá Ba Nhất, cho biết khi dịch bùng phát từ năm 2020, HTX cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, Ban giám đốc đã cố gắng tìm kiếm đơn hàng để duy trì việc làm cho người lao động trong suốt hơn một năm qua. Trong đợt dịch này, khi buộc phải tạm ngưng hoạt động một số bộ phận, Ban giám đốc đã phải cân nhắc rất nhiều, nhất là vấn đề chi trả lương cho người lao động.
HTX, DN mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn nữa từ chính sách BHXH để vượt qua đại dịch COVID-19. |
"Với hơn 100 lao động đang phải tạm ngừng việc, HTX chi trả từ 40-50% tiền lương tùy theo bộ phận. Riêng với những người lao động tạm ngừng việc nhưng vẫn ở trong khu lưu trú, HTX sẽ chăm lo 3 bữa ăn trong ngày cho cả gia đình họ", ông Huỳnh cho biết. Do vậy, nếu được hỗ trợ thêm từ chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ giúp đỡ cho HTX rất nhiều trong việc tiết giảm chi phí, chăm lo tốt nhất cho đời sống người lao động.
Trước khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hiệp hội Vận tải ô tô Đắk Lắk cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh và các ngành liên quan kiến nghị miễn giảm phí khẩn cấp cho các HTX, doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải của tỉnh. Theo đó, tình hình dịch COVID-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của HTX, DN vận tải: xe vận tải hành khách như xe khách, xe buýt, xe taxi đều phải cắt giảm tần suất, số lượng khách được chở… Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng hàng hóa tiêu thụ thấp, hàng xuất khẩu chậm, các HTX, DN có hợp đồng vận tải giảm 30-40%.
Với những khó khăn như vậy, các HTX, DN vận tải vẫn phải chi trả lương và hỗ trợ chi phí thất nghiệp tạm thời cho cán bộ nhân viên và người lao động; đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)…
Mới đây, 11 hiệp hội ngành hàng sử dụng nhiều lao động tại Việt Nam như Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, Hiệp hội Da giày - Túi xách, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản... có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và BHXH Việt Nam đề xuất các chính sách hỗ trợ liên quan đến bảo hiểm.
Theo phản ánh của các DN, chi phí cho người lao động (chi phí tiền công, BHXH và kinh phí công đoàn) là chi phí lớn nhất. Riêng BHXH, DN và người lao động đã phải đóng 32,5% tổng quỹ lương. Nay phải sản xuất cầm chừng (3 tại chỗ) hoặc dừng sản xuất - công suất, sản lượng giảm tới 70%, nhưng các chi phí liên quan đến người lao động (BHXH, kinh phí công đoàn...) vẫn giữ nguyên, và DN vẫn phải trả lương ngừng việc theo quy định của Luật Lao động khiến khó khăn càng chồng chất, khó trụ vững dài ngày.
Trong khi đó, tổng kết dư quỹ BHXH và BHTN là khá lớn, 11 hiệp hội ngành hàng kiến nghị Chính phủ có ý kiến chỉ đạo và BHXH Việt Nam xem xét cho một vấn đề bức thiết, có ý nghĩa trợ lực quan trọng cho “sức khỏe” của các DN liên quan đến BHXH.
Đối với những lao động tạm ngừng việc (do DN ngừng sản xuất hoặc không thể tham gia làm việc “3 tại chỗ” hoặc phải đi cách ly): cho phép hỗ trợ giải quyết chế độ BHXH cho người lao động theo khoản 1 điều 28 Luật BHXH (hưởng chế độ ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm) trong thời gian thực hiện giãn cách/hay cách ly để phòng, chống dịch COVID theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Giảm chi phí cho HTX, DN
Đồng thời, BHXH cho phép DN và người lao động được miễn giảm 100% phí BHXH của DN và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu của Nhà nước (kể cả trường hợp người lao động ngừng việc được DN trả lương tối thiểu)...
Đối với những lao động đã và đang làm việc “3 tại chỗ”: cho phép DN và người lao động được giảm 50% mức đóng BHXH trong 6 tháng. Đồng thời, các hiệp hội đề nghị không áp dụng các hình thức xử phạt đối với các DN không có khả năng đóng BHXH trong giai đoạn phong tỏa do phải ngừng sản xuất hoặc bị giảm quy mô sản xuất do dịch bệnh COVID-19...
Liên quan tới các chính sách hỗ trợ, Bộ KH&ĐT cũng vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị bổ sung HTX vào đối tượng thụ hưởng Nghị quyết hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Trong giải trình về đề nghị bổ sung đối tượng HTX, Bộ KH&ĐT cho rằng, HTX là một trong những lực lượng sản xuất kinh doanh quan trọng, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế xã hội.
Các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh tại Dự thảo Nghị quyết mà Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ theo hướng áp dụng chung cho đối tượng DN và HTX. Có thể kể đến các chính sách tài khóa (thuế, phí, lệ phí, các khoản phải nộp); tín dụng, hỗ trợ người lao dộng, người sử dụng lao động, cắt giảm chi phí (phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, ký quỹ kinh doanh lữ hành du lịch...); ưu tiên tiêm vắc xin, hướng dẫn về luồng xanh, chính sách cách ly y tế, mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn...
“Do vậy, việc bổ sung đối tượng HTX sẽ không làm thay đổi nội hàm các chính sách, giải pháp quy định tại Dự thảo Nghị quyết đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Bộ KH&ĐT báo cáo Chính phủ.
Được biết, thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều DN lao đao, tỷ lệ người lao động thất nghiệp gia tăng, thì chính sách BHTN cũng đã trở thành “điểm tựa” giúp bảo đảm phần nào đời sống của một bộ phận người lao động thất nghiệp và gia đình, góp phần ổn định kinh tế xã hội đất nước.
Riêng trong tháng 8/2021, BHXH các địa phương đã phối hợp với ngành LĐ-TB&XH giải quyết cho 61.914 người hưởng BHTN, trong đó có 61.215 người hưởng trợ cấp thất nghiệp và 699 người hưởng chế độ học nghề. Tính chung 8 tháng năm 2021, cả nước đã giải quyết cho 483.411 người hưởng BHTN. Ngoài ra, cơ quan BHXH đã chi cho hơn 7,2 triệu lượt người đi khám chữa bệnh BHYT.
Thy Lê