Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Hà Tĩnh, tổng số người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến thời 30/6/2021 trong toàn tỉnh là 1.177.064 người, tăng 5% so với năm 2018. Trong đó, lao động tham gia BHXH là 123.402 người, lao động tham gia BHTN là 75.609 người, số người tham gia BHYT là 1.144.812 người; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94,2%; tỷ lệ nông dân, lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH đạt 4,9% so với lực lượng lao động trong độ tuổi.
Đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động
Với kết quả này, 6 tháng đầu năm 2021, BHXH tỉnh Hà Tĩnh được BHXH Việt Nam đánh giá là một trong 15 tỉnh có các chỉ tiêu về phát triển BHXH, BHYT, BHTN tốt nhất cả nước.
Nông dân và lao động khu vực phi chính thức ở Hà Tĩnh đã nâng cao nhận thức, tham gia BHXH tự nguyện ngày càng nhiều. |
Có thể nói đây là thời gian khó khăn đối với ngành BHXH khi phải đối mặt với những diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19. Tuy vậy, bằng quyết tâm và sự nỗ lực, BHXH Hà Tĩnh đã luôn giữ nhịp phát triển, riêng BHXH bắt buộc trong 6 tháng đầu năm gặp khá nhiều thuận lợi khi có thêm 2.377 lao động tham gia. Trước đó, cùng kỳ 2020, số người tham gia BHXH bắt buộc giảm 1.927 người so với năm 2019.
Trong đó phải kể tới những "tấm gương" điển hình đi đầu trong việc chấp hành chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Đó là ông Trương Xuân Bính, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi, tổng hợp và xây dựng Minh Lộc (xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) không chỉ được biết đến bởi sự nhanh nhạy với thị trường, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong phát triển chăn nuôi lợn mà ông là người luôn quan tâm tới đời sống của người lao động trong hợp tác xã.
Nếu như nhiều cơ sở chăn nuôi lợn ở Hà Tĩnh lao đao, thua lỗ vì đợt “giá chạm đáy” giai đoạn 2016 - 2017 hay dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2018 - 2019 thì Hợp tác xã Minh Lộc vẫn trụ vững và phát triển. Trang trại luôn ổn định với trên 300 lợn nái, xuất ra thị trường hơn 1.000 lợn thương phẩm/lứa, 3.000 lợn giống/năm, đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, ông Bính luôn tâm niệm, tạo việc làm để người lao động hưởng mức lương xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra là chưa đủ mà điều quan trọng là làm thế nào để ngày càng nhiều lao động được tham gia BHXH. Có như vậy, họ mới không lo gánh nặng kinh tế khi về già. Hiện nay, Hợp tác xã đã đóng BHXH cho hàng chục lao động, trong đó có những người đã đóng trên 10 năm.
Tập trung vào BHXH tự nguyện
Bà Trương Thị Tuyết, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng BHXH Hà Tĩnh cho biết: “Năm 2021 mặc dù phải trải qua nhiều khó khăn nhưng ngành BHXH tỉnh đã linh hoạt, tận dụng mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Nhiều hình thức tuyên truyền vẫn được duy trì dưới những quy mô phù hợp với tình hình dịch bệnh. Nhờ đó, BHXH Hà Tĩnh vẫn giữ nhịp phát triển khá đều đặn, không để xảy ra tình trạng bị gián đoạn trong phát triển đối tượng, nhất là BHXH tự nguyện và BHYT”.
Theo bà Tuyết, thực hiện Nghị quyết 28 và chủ trương chung của ngành, thời gian qua, BHXH Hà Tĩnh đã chú trọng công tác tuyên truyền. Ngoài ra, các cán bộ, chuyên viên BHXH và nhân viên đại lý cũng liên tục sáng tạo hình thức tuyên truyền như: Ra chợ, ra đồng tuyên truyền… Nhờ đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức đã nâng cao nhận thức, tham gia BHXH tự nguyện ngày càng nhiều. Nếu như năm 2018 mới chỉ đạt 6.985 người thì năm 2020 đã phát triển lên 27.775 người (chiếm 4,2% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt xa mục tiêu chung của cả nước)”.
Đáng chú ý, tại Hà Tĩnh, ngoài các mức hỗ trợ của Nhà nước theo từng đối tượng, từ 1/1/2020, theo Nghị quyết số 177/2019/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh, người tham gia BHXH tự nguyện còn được hỗ trợ 20% mức đóng hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn.
Bà Phan Thị Nga ở thôn 3 xã Sơn Bình (Hương Sơn - Hà Tĩnh), chia sẻ, năm 2020, khi được nhân viên đại lý BHXH tuyên truyền về BHXH, về chính sách hỗ trợ mức đóng của Nhà nước và tỉnh, cả gia đình bà đã cùng tham gia. "2 vợ chồng đều là nông dân nên đây sẽ là chỗ dựa vững chắc giúp chúng tôi yên tâm hơn khi về già” bà Nga nói.
Ông Nguyễn Hữu Bằng, Giám đốc BHXH huyện Hương Sơn chia sẻ: “Sau khi đạt được những “kỳ tích” trong phát triển đối tượng BHXH tự nguyện năm 2020, chúng tôi xác định phát triển BHXH tự nguyện là một trong những mục tiêu hàng đầu trong kế hoạch năm 2021".
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 với những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tuyên truyền, vận động. Trong hoàn cảnh đó, BHXH huyện Hương Sơn đã chủ trương giữ nhịp tăng trưởng. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm đã tăng thêm được 374 người. Kết quả đó là động lực để tiếp tục cố gắng trong thời gian tới.
Ông Phan Văn Anh, Phó Giám đốc BHXH Hà Tĩnh khẳng định: BHXH Hà Tĩnh tiếp tục vượt qua khó khăn, linh hoạt ứng biến với tình hình nhằm phát huy những kết quả đạt được và giành những kết quả mới. Bên cạnh những giải pháp về truyền thông, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết chi trả kịp thời các chế độ BHXH, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát... chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT.
Trong đó, tập trung vào các nhóm đối tượng: Hộ gia đình; học sinh, sinh viên; người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; cán bộ đoàn thể cấp xã, thôn xóm, công an viên; người lao động có thu nhập ổn định… chưa tham gia BHXH, BHYT để tuyên truyền, vận động.
Thy Lê