Nhìn vào dữ liệu trên bản đồ Covid-19 tại Tp.HCM sẽ thấy số ca dương tính ở quận Phú Nhuận hiện là 374 ca. Đây là số ca nhiễm thấp nhất trong các quận nội thành và thấp thứ hai (sau huyện Cần Giờ) trong tất cả quận, huyện và Tp.Thủ Đức của Tp.HCM.
“Điểm sáng” Phú Nhuận
Số ca nhiễm ở Phú Nhuận chỉ bằng 1/10 ở địa bàn có số ca nhiễm nhiều Tp.HCM là quận Bình Tân (hiện đang có 3.839 ca dương tính).
Số ca nhiễm ở quận Phú Nhuận hiện thấp nhất trong các quận nội thành của Tp.HCM. |
Điều gì đã giúp cho quận Phú Nhuận ghi nhận con số thấp về ca dương tính trong khi tình hình dịch bệnh ở “tâm dịch” Tp.HCM khá phức tạp với số ca nhiễm mỗi ngày hiện ở mức bốn con số?
Qua tìm hiểu được biết, trong việc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì sự vào cuộc của ban ngành đoàn thể ở quận nội thành này đang làm rất bài bản, đúng yêu cầu đề ra đã giúp mang lại hiệu quả phần nào trong phòng chống dịch.
Hiện tại, ngoài 5 chốt cấp quận, UBND 13 phường của quận Phú Nhuận còn thành lập mỗi phường 2 chốt kiểm soát, 2 tổ kiểm tra lưu động. Các chốt hoạt động từ ngày 12/7 đến khi có yêu cầu mới về kiểm soát dịch Covid-19.
Trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng cho biết, quận tập trung tăng cường năng lực cách ly, mở rộng các khu cách ly đạt tổng công suất lên 1.500 giường, đảm bảo an toàn, phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly, kiểm soát không cho lây nhiễm chéo ra cộng đồng.
Ngoài ra, quận Phú Nhuận còn thiết lập Sở chỉ huy và Trung tâm phân tích dữ liệu đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch tại trụ sở UBND quận. Thành lập 17 tổ kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 gồm: 13 tổ kiểm tra 13 phường; 1 Tổ chỉ đạo an toàn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và 3 tổ kiểm tra doanh nghiệp.
Đồng thời, quận Phú Nhuận đã triển khai ở 13 phường trên địa bàn tổng cộng 72 chốt kiểm soát phòng chống dịch và 26 tổ kiểm tra lưu động, mỗi phường tối thiểu 5 chốt và 29 tổ kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Quận cũng rà soát, kiện toàn các tổ Covid-19 cộng đồng theo hướng cứ 100 hộ dân có một tổ Covid-19 cộng đồng.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Phú Nhuận còn thường xuyên đến thăm lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại các chốt phong tỏa tạm thời ở 13 phường nhằm động viên các lực lượng giữ gìn sức khỏe, thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh khi làm nhiệm vụ.
Gần đây, khi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19, bà Tô Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp.HCM đã đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị quận Phú Nhuận trong việc này.
Có thể nói “điểm sáng” ở Phú Nhuận sẽ góp phần khích lệ cho hoạt động phòng dịch Covid-19 ở các quận, huyện và Tp.Thủ Đức của Tp.HCM trong thời gian tới sẽ khả quan, hiệu quả tích cực hơn.
Niềm tin từ nhiều giải pháp đồng bộ
Tính đến ngày 21/7, tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát ở Tp.HCM là 6.422 người. Những đánh giá mới đây cho thấy, “tâm dịch” Tp.HCM đang ghi nhận một số tín hiệu chuyển động tích cực trong việc phòng chống dịch.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, tình hình dịch Covid-19 đợt 4 được kỳ vọng sẽ sớm được đẩy lùi. |
Ngày 22/7, Tp.HCM đã tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine đợt 5 với 615 điểm tiêm trên toàn thành phố và kéo dài trong 2 tuần. Mỗi phường, xã, thị trấn sẽ tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm, mỗi ngày tiêm cho 120 người/điểm.
Tính lũy kế đến cuối tháng 7, Tp.HCM đã được phân bổ 2 triệu liều vaccine Covid-19. Dự kiến đến cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2021, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ thêm khoảng hơn 3 triệu liều, nâng tổng số nguồn vaccine cho Tp.HCM lên đến 5 triệu liều.
Giới chuyên gia nhận định, trong khi làn sóng Covid-19 thứ tư tại Tp.HCM đang ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế, thì tiêm chủng là giải pháp quan trọng và lâu dài để phục hồi kinh tế Tp.HCM.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM (HCDC), Thành phố sẽ tăng cường giám sát hoạt động tại các khu cách ly tập trung; giám sát các trường hợp F1 cách ly tại nhà.
Bộ Y tế vừa cho biết hơn 2.000 trang thiết bị gồm máy thở, máy lọc máu, máy tạo oxy và hơn 12 triệu khẩu trang các loại đã được chuyển đến kho dã chiến tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhằm phục vụ chống dịch Covid-19 ở Tp.HCM và các tỉnh phía Nam.
Ngoài ra, trong 7 ngày tới (bắt đầu từ ngày 23/7), Bộ Tư lệnh Tp.HCM sẽ thực hiện phun khử khuẩn tiêu độc trên toàn địa bàn thành phố, đặc biệt các khu vực đang có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp. Cụ thể, mỗi ngày sẽ có 2 đội gồm 16 xe chuyên dụng mỗi ngày chia ra khử khuẩn trên địa bàn Tp.HCM.
Hơn thế nữa, Tp.HCM cũng đang chuẩn bị các biện pháp áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường trong những ngày tới. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động, giám sát người dân và tổ chức thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn sẽ được đặt lên hàng đầu với mục tiêu đảm bảo giãn cách triệt để giữa nhà với nhà, người với người trong gia đình nhằm hạn chế việc tiếp xúc và lây lan mầm bệnh.
Như lưu ý của Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Tp.HCM Phan Văn Mãi, đối với một số khu vực nguy cơ cao, đông dân cư như nhà trọ công nhân, người lao động chưa đảm bảo yêu cầu giãn cách thì Tp.HCM sẽ áp dụng biện pháp giãn dân phù hợp để giảm mật độ, hạn chế tiếp xúc.
Theo ông Mãi, đây là việc cần thực hiện thật sự triệt để trong 7 - 10 ngày tới (có thể đạt đỉnh dịch trong thời gian này) để ngăn chặn mầm bệnh lây lan.
Không những vậy, Tp.HCM đang tiến hành phân 5 tầng trong công tác điều trị F0. Mô hình điều trị tháp 5 tầng sẽ giúp giảm tải áp lực y tế, không cần thiết phải đưa F0 không có triệu chứng vào cơ sở điều trị.
Tin rằng với nhiều giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở Tp.HCM thì tình hình dịch Covid-19 đợt 4 được kỳ vọng sẽ được đẩy lùi, mang lại sự bình yên và sức khoẻ cho người dân, sớm đưa cuộc sống của thành phố về trạng thái bình thường mới.
Thanh Loan
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |