Thị trường trong và ngoài nước chưa phục hồi, đặc biệt thị trường xuất khẩu đang bị ảnh hưởng do nhiều nước có chỉ số lạm phát tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang phải cắt giảm công suất, ảnh hưởng tới nguồn thu nhập của người lao động.
Hỗ trợ kịp thời khi người lao động khó khăn
Chị Lê Hoa, công nhân may ở Quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết phần thu nhập từ tăng ca không còn, tổng lương tháng 7 của vợ chồng chị chỉ được 10 triệu đồng, giảm gần 20% so với trước. Thu nhập giảm mạnh khiến vợ chồng trẻ cùng con nhỏ 5 tuổi, đang phải thuê nhà, phải chi tiêu gói ghém.
Ngành BHXH đang nỗ lực triển khai để số tiền hỗ trợ từ quỹ BHTN tới người lao động đúng - đủ - kịp thời. |
Công ty của chị Hoa trả lương theo sản phẩm. Tuy nhiên, hơn tháng qua, đơn hàng ít nên sản phẩm làm ra không nhiều, chưa kể đơn giá cũng giảm so với trước. Chị Hoa chia sẻ từ lúc Covid-19 xuất hiện, giai đoạn công ty tăng ca dồn dập là cuối năm ngoái, khi thành phố mở cửa trở lại. Doanh nghiệp tập trung sản xuất để giải quyết hàng tồn. Sau đó, đơn hàng bắt đầu về ít, thu nhập của lao động cũng giảm dần.
Thu nhập ít ỏi, chị Hoa cho biết sau khi trả tiền nhà 2,2 triệu đồng, thanh toán học phí của con gái hết 2 triệu đồng, khoản lãi vay mà gia đình đang nợ thì "chẳng còn bao nhiêu cho ăn uống, đi lại". Để tiết kiệm, chị đang phải chắt bóp từng đồng, hạn chế ăn tiêu.
Không chỉ chị Hoa mà nhiều người lao động hiện nay cũng đang đứng trước khó khăn khi nguồn thu nhập bị cắt giảm.Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ, với tình hình đơn hàng như hiện nay, khả năng trong tháng tới, công ty phải nghỉ sản xuất từ ngày thứ Sáu, tức là trong một tuần thì nghỉ 3 ngày.
Dự báo tăng trưởng của Việt Thắng Jean trong quý III sẽ suy giảm do "đói" đơn hàng bởi thị trường Mỹ, EU đang chiếm tới 60% thị phần xuất khẩu, nhưng đơn hàng sụt giảm vì người dân thắt chặt chi tiêu. Điều đó đồng nghĩa nguồn thu nhập của người lao động của doanh nghiệp có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Trước những khó khăn trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 về việc tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với nguồn kinh phí khoảng 1.155 tỷ đồng. Đây được đánh giá là nguồn hỗ trợ cực kỳ quan trọng với người lao động trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Nhanh chóng đưa hỗ trợ tới người lao động
Đặc biệt, để tổ chức, thực hiện kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 24, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã chỉ đạo toàn ngành khẩn trương chuẩn bị các công tác để tổ chức hiệu quả gói hỗ trợ này đúng kế hoạch đặt ra. Phát huy lợi thế của hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin, chú trọng thông tin, tuyên truyền để người lao động, người sử dụng lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng gói hỗ trợ đúng thời hạn được tiếp cận và thụ hưởng chính sách nhanh chóng; đặc biệt nêu cao vai trò, trách nhiệm nòng cốt của BHXH các địa phương để số tiền hỗ trợ từ quỹ BHTN đến đúng - đủ - kịp thời tới người lao động.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ, BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn triển khai gói hỗ trợ, kịp thời nắm bắt các khó khăn vướng mắc, phối hợp với Bộ ngành liên quan có các giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Theo đó, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 2216/BHXH-CSKH gửi các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục chi trả hỗ trợ với người lao động thuộc nhóm hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. BHXH Việt Nam yêu cầu thời gian tiếp tục chi trả hỗ trợ cho người lao động đã nộp hồ sơ đúng thời hạn hoàn thành chậm nhất vào ngày 10/9/2022.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam yêu cầu cần kịp thời thông tin đến người được hưởng, công khai danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ trên trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh/thành phố. Đối với các trường hợp có thông tin nhận hỗ trợ chưa chính xác, yêu cầu tiếp tục liên hệ với người hưởng để cập nhật thông tin, đảm bảo hoàn thành việc chi trả hỗ trợ cho người lao động đúng thời hạn quy định; trường hợp hết thời hạn chi trả mà không liên hệ được với người thuộc đối tượng hỗ trợ thì phải lưu lại chứng cứ làm căn cứ chứng minh để phục vụ cho công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
“Rà soát, kiểm tra đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ, thông tin hưởng hỗ trợ để đảm bảo chi trả hỗ trợ đầy đủ, đúng đối tượng, mức hỗ trợ theo quy định; đặc biệt rà soát kỹ các trường hợp trùng số tài khoản nhận hỗ trợ, trùng thông tin nhân thân hưởng hỗ trợ,... kịp thời phát hiện hưởng trùng, không đúng đối tượng, mức hỗ trợ”, BHXH Việt Nam yêu cầu.
Trong tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam liên quan gồm: Ban Thực hiện chính sách BHXH, Trung tâm Công nghệ thông tin, Vụ Tài chính-Kế toán, Ban Quản lý thu - sổ thẻ.
Có thể thấy, việc ban hành Nghị quyết này tiếp tục khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc hỗ trợ kịp thời, trực tiếp, thiết thực đối với người lao động, người sử dụng lao động tham gia BHTN vượt qua khó khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Qua đó cũng thể hiện vai trò chủ động, tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết liệt trong công tác đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHTN của ngành BHXH Việt Nam, luôn đồng hành cùng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương kịp thời đưa ra các đề xuất, giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khắc phục khó khăn, đảm bảo cuộc sống, phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Hoài Linh