Tính đến hết tháng 5/2022, tổng số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt trên 86,2 triệu người, bằng 87,15% dân số tham gia BHYT. Trong khi đó, Quyết định 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc năm 2022 là 92,6%; năm 2023 là 93,2%; năm 2024 là 94,1%; năm 2025 là 95,15%.
Đẩy mạnh truyền thông nhân Ngày BHYT Việt Nam
Điều này cho thấy, từ nay đến cuối năm 2022, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) các tỉnh, thành phố cần phải nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu đề ra. Mới đây, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 1643/BHXH-TT về việc truyền thông nhân Ngày BHYT Việt Nam 1/7.
Ngành BHXH đặt mục tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn quốc năm 2022 là 92,6%. |
BHXH Việt Nam tổ chức các hoạt động truyền thông với chủ đề: “BHYT- vì sức khỏe, hạnh phúc mọi gia đình”. Qua đó, tăng cường công tác thông tin, truyền thông theo các văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam đã ban hành, trong đó chú trọng: Tiếp tục truyền thông sâu, rộng về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHYT, nhất là BHYT hộ gia đình; truyền thông về quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh BHYT; nhấn mạnh mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương khi tham gia BHYT hộ gia đình.
Truyền thông những chính sách, pháp luật BHYT mới ban hành; kết quả thực hiện chính sách BHYT 6 tháng đầu năm 2022 và những nỗ lực của Ngành BHXH Việt Nam trong việc đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật.
Truyền thông tiện ích khi sử dụng căn cước công dân gắn chip trong khám, chữa bệnh BHYT; Truyền thông nhận diện các hành vi vi phạm, những hình thức lạm dụng, trục lợi trong thực hiện chính sách BHYT và mức độ xử lý đối với tổ chức, cá nhân; công tác quản lý, sử dụng quỹ BHYT an toàn, hiệu quả...
Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng yêu cầu truyền thông gương người tốt, việc tốt trong thực hiện chính sách BHYT; những sáng kiến, sáng tạo của ngành BHXH, ngành Y tế trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ người tham gia BHYT tốt hơn, hướng tới sự hài lòng của người tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, tổ chức treo các băng rôn, biểu ngữ tuyên truyền về BHYT với các thông điệp truyền thông chủ yếu như: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, hướng tới BHYT toàn dân; tham gia BHYT để chăm lo sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng; tham gia BHYT là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức và cả cộng đồng; BHYT là chính sách an sinh xã hội, do Nhà nước tổ chức thực hiện; thực hiện BHYT hộ gia đình để chăm sóc sức khỏe cho mọi thành viên trong gia đình.
Hỗ trợ cho nhóm xã hội yếu thế
Trong năm 2022, việc phát triển BHYT cũng đối mặt với những thách thức như có khoảng 1.946 xã, tương ứng với khoảng 4,9 triệu người không còn thuộc đối tượng hỗ trợ BHYT theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực 3, 2, 1 thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 433 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025.
Theo Đại biểu Quốc hội Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng), việc ban hành Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433 của Ủy ban Dân tộc là chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, là cơ sở cho việc xây dựng, ban hành các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, trong đó có Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Tuy nhiên, việc phân định này đã có tác động gián tiếp đến chính sách BHYT cho đồng bào, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, cần phải có lộ trình để đảm bảo người dân, nhất là các nhóm xã hội yếu thế có thể thích ứng với thay đổi, không ai bị bỏ lại phía sau.
Đại biểu Lâm Văn Đoan phân tích thêm, người dân cũng vừa trải qua những tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, thì sự hỗ trợ của Nhà nước cũng cần thiết và cấp bách để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Sau đại dịch, các chi phí y tế, chăm sóc sức khỏe được quỹ BHYT hỗ trợ. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định là thuộc Quốc hội vì có liên quan đến Luật BHYT.
Do vậy, Chính phủ cần quan tâm đánh giá tình hình và sớm trình Quốc hội bổ sung vào Nghị quyết kỳ họp về hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số, người khó khăn.
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu hơn 92% dân số tham gia BHYT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và giải pháp triển khai thực hiện để đạt chỉ tiêu được giao.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân để bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ thêm cho người dân tham gia BHYT. Cụ thể, tập trung hỗ trợ người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 9 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, bảo đảm đạt mục tiêu 100% các đối tượng này tham gia BHYT.
Hỗ trợ người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên để tăng tỷ lệ tham gia BHYT của các nhóm đối tượng này. Hỗ trợ các đối tượng khác trên địa bàn thuộc quyền quản lý.
BHXH Việt Nam chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, đôn đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia; mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT…
Thy Lê