Văn phòng Chính phủ vừa phân công Bộ Tài chính chuẩn bị tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết biểu thuế BVMT cho phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (diễn ra từ ngày 11 - 13/7).
Tăng nguồn thu
Mặc dù vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía nhiều bộ, ban ngành, chuyên gia kinh tế lẫn người tiêu dùng, Bộ Tài Chính vẫn kiên định với quan điểm tăng kịch khung thuế BVMT với xăng lên mức 4.000 đồng/lít, với dầu lên mức 2.000 đồng/lít. Vậy mục đích thật sự của tăng thuế BVMT với xăng dầu là gì mà khiến Bộ Tài chính kiên quyết đến vậy?
“Tăng thuế, dù là thuế gì đi nữa thì cuối cùng cũng là để tăng nguồn thu thôi. Chúng ta thắc mắc vì sao xăng E5 là xăng thân thiện với môi trường mà vẫn phải gánh thuế môi trường? Thực chất là bởi Nhà nước đang giải quyết bài toán nguồn thu, chứ không phải bài toán môi trường!”, một chuyên gia tài chính cho biết.
Cụ thể, hiện mỗi lít xăng đang chịu 3.000 đồng thuế BVMT, mức này áp dụng từ tháng 5/2015, tăng 3 lần so với biểu thuế 1.000 đồng của năm 2012.
Giá xăng hiện nay đang bán ở mức khoảng 22.000 đồng/lít, số tiền thuế môi trường dự kiến tăng lên 4.000 đồng đang chiếm tỷ trọng lớn, gần 20%. Mức này cũng là cao nhất trong số các loại thuế mà mỗi lít xăng phải “gánh” (gấp đôi thuế nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt hay thuế giá trị gia tăng).
Điều này khiến số tiền thuế BVMT mà người dân phải đóng (áp dụng cho 8 nhóm sản phẩm hàng hóa) tăng vọt lên gấp nhiều lần. Trong đó, nhóm xăng dầu, than đá chiếm chủ yếu (khoảng 99%) tổng số thu thuế BVMT qua các năm.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, nếu mức thuế BVMT tăng kịch trần có hiệu lực từ ngày 1/7 năm nay, sẽ bổ sung cho ngân sách hơn 57.000 tỷ đồng thuế BVMT, tăng khoảng 15.684 tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2015 con số đó là khoảng 27.020 tỷ đồng, năm 2016 khoảng 44.323 tỷ đồng và năm 2017 là khoảng 44.825 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, ngân sách năm 2012 thu được hơn 11.100 tỷ đồng; năm 2013 tăng lên 11.500 tỷ đồng. Con số của năm 2014 là 11.970 tỷ đồng từ thuế môi trường. Như vậy, sau 7 năm, ngân sách có thể sẽ tăng 5 lần sau khi tăng thuế môi trường với mặt hàng xăng dầu lên kịch trần.
Hiện mỗi lít xăng đang chịu 3.000 đồng thuế BVMT |
Áp lực lạm phát
Vấn đề tăng thuế phí sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng cũng đã được Bộ Tài Chính tính toán trước đây.
Theo ban soạn thảo, với mức đề xuất tăng thuế BVMT với các loại xăng dầu lên kịch trần từ 1/7/2018, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 sẽ tăng hơn tháng 6 liền trước (khoảng 0,27 - 0,29%; tác động đến giá tiêu dùng bình quân năm 2018 khoảng 0,11 - 0,15%).
Tuy nhiên, viện dẫn cho việc tăng thuế môi trường là cần thiết, Bộ Tài chính cho rằng tăng thuế để bổ sung nguồn ngân sách thiếu hụt, cũng như khuyến khích sử dụng xăng dầu tiết kiệm.
Trong bối cảnh chung về giá dầu thô, giá xăng thế giới có xu hướng tăng cao trong 6 tháng đầu năm, làm ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước, các chuyên gia đã cảnh báo việc tăng thuế môi trường xăng dầu có thể gây sức ép đến lạm phát.
Theo số liệu được bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), công bố với báo chí, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tăng kịch trần thuế môi trường xăng dầu như đề xuất của Chính phủ sẽ khiến CPI bị tác động tăng thêm 0,27 - 0,29%.
Nguy hiểm hơn, từ việc tăng thuế kéo theo tăng giá bán lẻ xăng dầu, sẽ dẫn tới tăng giá vận tải, giá nhiều hàng hóa khác. Khi đó, dư địa để kiểm soát CPI 4% còn rất nhỏ.
Đại diện của doanh nghiệp vận tải cũng cho biết, hiện các doanh nghiệp này vẫn giữ nguyên giá vé từ khi giá dầu chỉ 11.000 - 12.000 đồng/lít cho đến nay đã gần 18.000 đồng/lít, nên tăng thuế sẽ đẩy họ vào tình cảnh khó khăn. Do đó, việc áp thuế như thế này sẽ khiến doanh nghiệp càng khó khăn và thiệt hại về nhiều đường.
Khi đó, doanh nghiệp sẽ đồng loạt xin tăng giá. Nếu được chấp thuận, thì người thiệt thòi chính là người tiêu dùng, vì chi phí tăng thì giá cả các mặt hàng, thậm chí đến cả mớ rau cũng phải tăng.
Chuyên gia kinh tế, Ts. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), cảnh báo: “Nếu giá xăng dầu tăng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống tiêu dùng, bởi xăng liên quan đến hầu hết các mặt hàng sản xuất, tiêu dùng của chúng ta. Chính phủ cần thận trọng cân nhắc thời điểm tăng phí xăng dầu”.
Hồng Nhung