Dù các mục tiêu đã được xác định cụ thể, nhưng trên thực tế việc một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động vẫn chưa tham gia BHXH thực sự sẽ mang tới những trở ngại xã hội trong tương lai…
Thách thức không nhỏ
Cụ thể, giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%.
Giai đoạn đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5%; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 85%.
Giai đoạn đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 90%.
Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ khoảng 29% lực lượng tham gia BHXH, còn lại tới 70% lực lượng lao động cả nước chưa tham gia BHXH. Để đạt mục tiêu đề ra sẽ là một thách thức không nhỏ cần có giải pháp căn cơ và bền vững để tăng độ phủ BHXH, bảo đảm cuộc sống bền vững cho người lao động.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có hơn 50 triệu người thuộc độ tuổi lao động, trong đó chỉ có gần 15 triệu người tham gia chính sách BHXH và phần lớn thuộc nhóm có quan hệ lao động. Như vậy, có tới hơn 35 triệu lao động còn lại đang chưa có điều kiện tham gia BHXH, chủ yếu thuộc khu vực không có quan hệ lao động như nông thôn, lao động thời vụ, lao động tự do…
Cần tạo sự khuyến khích, động lực để mọi lao động đều tham gia BHXH |
Tạo sự khuyến khích, động lực
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Mục tiêu tất cả lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên phải tham gia vào hệ thống BHXH để tiến tới BHXH toàn dân cho lực lượng lao động. Như vậy, 20 năm sau mới đạt được 100% người cao tuổi có nguồn thu nhập từ lương hưu để đảm bảo tuổi già. Bài toán đặt ra của chúng ta thực hiện Nghị quyết 28 của Trung ương là làm sao để bao phủ nhanh, rộng và toàn diện lực lượng lao động tham gia BHXH, đó chính là bài toán khó khăn và thách thức.
Đến nay, Việt Nam mới có khoảng 29% lực lượng lao động tham gia BHXH, có nghĩa là 71% lực lượng lao động đang làm việc mà không tham gia mô hình BHXH nào để sau này về già có lương hưu.
Dẫn ra bài học từ chính sách BHYT, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định: “Với chính sách hỗ trợ BHYT, hộ nghèo được hỗ trợ 100%, trẻ em dưới 6 tuổi, người già hỗ trợ 100%; người cận nghèo hỗ trợ đóng 70% và nâng lên 90%, như vậy mới bao phủ hết và thực hiện BHYT toàn dân”.
Còn đối với BHXH, mức đóng cao nhưng hiện nay chỉ hỗ trợ mức cao nhất là 30% cho hộ nghèo, ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị Chính phủ nâng mức hỗ trợ của Nhà nước để tạo sự khuyến khích, động lực để mọi lao động đều tham gia.
Trần Minh