Thời gian qua, dịch COVID-19 khiến phần lớn hợp tác xã bị giảm doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, thu nhập của người lao động và thành viên gặp nhiều khó khăn. Sản lượng sản phẩm nông sản, hàng hóa của hợp tác xã, tổ hợp tác chưa thu hoạch, bị tồn kho khá lớn.
Gặp khó khăn phát triển đối tượng
Hợp tác xã, tổ hợp tác trong chuỗi cung ứng gặp khó khăn về tài chính, bị suy giảm sản xuất... Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện cho các thành viên hợp tác xã.
Đưa người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lại sau dịch COVID-19 là nhiệm vụ của ngành Bảo hiểm Xã hội. |
Tương tự, với khu vực doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết trong 9 tháng năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo ông Chu Mạnh Sinh, Chánh Văn phòng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, 9 tháng năm 2021, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành đã quyết tâm, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; góp phần cùng toàn xã hội phòng chống dịch bệnh.
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Quốc hội, Chính phủ được ngành quyết liệt triển khai, kịp thời đi vào cuộc góp phần giúp người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của toàn ngành đang gặp những thách thức lớn. Số người tham gia trong 9 tháng đang giảm so với cuối năm 2020, ngoại trừ số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự gia tăng, nguyên nhân chủ yếu do hàng loạt doanh nghiệp, hợp tác xã trên toàn quốc rơi vào tình cảnh khó khăn, khiến người lao động bị mất việc, ngừng việc.
Bên cạnh đó, ở các tỉnh phía Nam từ cuối tháng 9 đến nay, một lượng lớn người lao động quyết định rời bỏ các thành phố lớn vì khó khăn trở về quê hương, rời bỏ thị trường lao động, chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đưa người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lại
Mặc dù số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 9 đang có xu hướng tăng trở lại so với tháng 8 khi tình hình dịch bệnh dần được khống chế, hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi, nhưng công tác phát triển người tham gia của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong 3 tháng cuối năm vẫn là thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm lớn để hoàn thành kế hoạch đã đề ra.
Đại diện Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Hải phòng cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trong hoàn cảnh đó, xác định các chính sách hỗ trợ ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được Quốc hội, Chính phủ giao triển khai sẽ góp phần hỗ trợ rất tích cực với người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất. Bảo hiểm Xã hội các tỉnh trên cho biết đã quyết liệt, khẩn trương vào cuộc triển khai với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đặc biệt là chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/10/2021.
Đại diện Bảo hiểm Xã hội các địa phương trên cho biết đến ngày 04/10/2021 đã cơ bản hoàn thành việc giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn; rà soát dữ liệu xác định số người lao động được hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và những khoản tiền hỗ trợ đầu tiên đã được chuyển đến tài khoản của người lao động khó khăn.
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm Xã hội (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), cho biết, tính đến 17 giờ ngày 04/10/2021, Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố đã gửi thông báo đến hơn 340.000 đơn vị sử dụng lao động về việc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (tính từ ngày 01/10/2021) cho tổng số khoảng 9,64 triệu người lao động với tổng số tiền ước tính khoảng 7.600 tỷ đồng; 7.228 người lao động được nhận hỗ trợ với tổng số tiền hơn 20,6 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, dịch COVID-19 vẫn đã và đang có những diễn biến rất phức tạp, khó lường và tác động nặng nề lên nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trong bối cảnh đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp phối hợp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân.
Với vai trò là cơ quan tổ chức, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó trực tiếp là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã rất tích cực, chủ động phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương tham mưu đề xuất, xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và triển khai các chính sách hỗ trợ một cách kịp thời, chính xác, an toàn, hiệu quả.
"Trong 3 tháng cuối năm, toàn ngành Bảo hiểm Xã hội sẽ tập trung thực hiện công tác thu, giảm nợ đọng, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trở lại “trạng thái bình thường”, nắm bắt được đà phục hồi của sản xuất kinh doanh, thị trường lao động để có các giải pháp hỗ trợ, truyền thông, vận động người lao động tham gia một cách phù hợp", ông Mạnh cho biết.
Thy Lê