Trước thực tế trên, tại Đề cương chi tiết dự thảo Luật HTX (sửa đổi) được Bộ KH&ĐT lấy ý kiến góp ý đã đề xuất hỗ trợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đối với HTX theo số lượng thành viên do Chính phủ quy định.
Mới có 10% người lao động tham gia BHXH
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, ước tính đến cuối năm 2021, cả nước có 27.855 HTX, trong đó có 18.106 HTX nông nghiệp, khoảng 9.749 HTX phi nông nghiệp - tăng gần 8.498 HTX so với năm 2013 (chủ yếu là HTX nông nghiệp). Số lượng HTX có xu hướng tăng qua các năm, với tốc độ tăng bình quân 4,65%/năm. Trong giai đoạn 2013-2021, số lượng HTX thành lập mới ước tính là 16.505 HTX.
Có chưa đến 10% số cán bộ, người lao động làm việc trong khu vực HTX tham gia BHXH bắt buộc. |
Năm 2021, các HTX thu hút khoảng 5,7 triệu thành viên, giảm gần 2,3 triệu thành viên (tương đương 28%) so với năm 2013. Số lao động thường xuyên trong HTX ước khoảng 1,2 triệu người, giảm khoảng 382.000 người (khoảng 31%) so với năm 2013. Tổng số cán bộ HTX tăng từ 79.659 người năm 2013 lên 111.097 người năm 2021...
Theo dự thảo báo cáo Tổng kết thi hành Luật HTX 2012 của Bộ KH&ĐT, chính sách BHXH đối với các bộ quản lý, người lao động trong HTX đã từng bước được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện theo hướng mở rộng đối tượng thuộc diện tham gia nhằm đảm bảo quyền thụ hưởng chính sách của cán bộ quản lý, người lao động trong các HTX.
Từ ngày 1/1/2018, với việc bổ sung chính sách BHXH tự nguyện đã tạo điều kiện để mọi thành viên, người lao động làm việc trong các HTX không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cũng có cơ hội tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu khi về già.
Về chính sách BHXH đối với chủ nhiệm HTX quy mô toàn xã được thực hiện theo Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 29/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ nhằm giải quyết chế độ, chính sách đối với chủ nhiệm HTX có quy mô toàn xã trong thời kỳ bao cấp chưa được hưởng chế độ của Nhà nước, quy định: Những người có thời gian làm chủ nhiệm HTX nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có quy mô toàn xã từ ngày 1/7/1997 trở về trước, sau đó trực tiếp giữ chức vụ, chức danh ở cấp xã hoặc thuộc biên chế hưởng lương ngân sách nhà nước hoặc làm các công việc thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc thì thời gian làm chủ nhiệm HTX được tính cộng nối với thời gian đã đóng BHXH để tính hưởng chế độ BHXH theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách BHXH còn một số hạn chế như trên thực tế, số người đóng BHXH mới chỉ có chưa đến 10% số cán bộ, người lao động làm việc trong khu vực HTX tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, phần lớn người làm việc trong HTX chưa được tham gia BHXH, đây là một thách thức lớn đối với việc đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.
Cần có chính sách hỗ trợ
Cụ thể, số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn 2013- 2018, số cán bộ quản lý HTX (bao gồm cả người lao động làm việc theo hợp đồng lao động) tham gia BHXH khoảng trên 40.000 người (bình quân 4 người/1 đơn vị hành chính cấp xã). Tiền lương đóng BHXH tăng ở mức tương đương với tốc độ tăng lương tối thiểu vùng (bình quân khoảng 14%/năm), năm 2018 là gần 4,3 triệu đồng/tháng (bình quân chung của các nhóm đối tượng là 5,1 triệu đồng/tháng). Số thu BHXH ở khu vực này tăng qua các năm, đến năm 2018 là 569,311 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân khiến người lao động trong khu vực HTX chưa tham gia được BHXH là thu nhập bình quân của họ trong HTX thấp hơn mức tiền lương đóng BHXH bắt buộc, thể hiện một thực tế là người có thu nhập càng cao, tỷ lệ tham gia BHXH càng cao. Những người có thu nhập thấp lại là những người “không được bảo hiểm”.
Bộ luật Lao động đã có các quy định cụ thể về tiền lương của người lao động (trong đó có người lao động trong HTX) nhưng không áp dụng đối với người quản lý, điều hành HTX mà không có hợp đồng lao động, trong khi pháp luật về HTX cũng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc trả tiền lương cho người quản lý điều hành, người lao động. Do vậy, rất khó khăn trong thực hiện chính sách BHXH bắt buộc đối với người quản lý, điều hành HTX có hưởng tiền lương.
Việc thực hiện chủ trương đổi mới, phát triển HTX trong giai đoạn vừa qua bên cạnh việc nhiều HTX được thành lập mới thì nhiều HTX bị giải thể, tái cơ cấu. Do vậy, việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người lao động thường xuyên (trong đó có chính sách BHXH) cũng là thách thức đặt ra.
Theo đó, tại Dự thảo Luật HTX năm 2012 sửa đổi, Bộ KH&ĐT đã đưa đề xuất hỗ trợ tiền BHXH, BHYT đối với HTX theo số lượng thành viên do Chính phủ quy định.
Theo ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, Luật HTX 2012 không quy định HTX hoạt động như doanh nghiệp, nhưng trong thực tiễn, cơ quan thuế vẫn thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với HTX; còn cơ quan BHXH thì quy định người làm việc trong HTX phải đóng BHXH theo mức lương tối thiểu vùng như doanh nghiệp. Vấn đề này cho thấy nghĩa vụ thì thực hiện như DN, nhưng quyền lợi thì không được như DN, ngay trong kinh doanh.
Dưới tác động của dịch COVID-19, mới đây, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, trong đó có 2 nhiệm vụ liên quan đến BHXH. Cụ thể, tại nhóm nhiệm vụ hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, Chính phủ yêu cầu giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ BHXH ngắn hạn nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động, đơn vị sử dụng lao động.
Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu việc này phải được hoàn thành trong tháng 9/2021; nghiên cứu, đề xuất miễn tiền phạt chậm nộp BHXH phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 theo quy định, hoàn thành trong tháng 9/2021.
Thy Lê