Theo đề xuất của Chính phủ tại Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, phương án 1, rút BHXH một lần được giải quyết với hai nhóm lao động. Nhóm một là người tham gia trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc và có nhu cầu thì được rút một lần. Nhóm hai là người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau 1/7/2025 sẽ không được rút BHXH một lần, trừ trường hợp theo quy định.
Phương án hai, lao động được giải quyết 50% tổng thời gian đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ. Chính sách áp dụng với lao động đóng bảo hiểm dưới 20 năm mà sau 12 tháng không thuộc diện tham gia khu vực bắt buộc lẫn tự nguyện, muốn rút một lần.
Còn nhiều ý kiến trái chiều
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, vấn đề này còn nhiều loại ý kiến khác nhau. Một nhóm ý kiến cho rằng nên lựa chọn theo phương án 1 vì phương án này có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động khi bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
![]() |
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đề xuất 2 phương án hạn chết rút BHXH một lần. |
Phương án 1 cũng không gây xáo trộn, ảnh hưởng tới những người có thời gian bắt đầu tham gia BHXH trước khi luật này có hiệu lực thi hành.
Đồng thời, nhóm ý kiến trên cho rằng, phương án 2 vẫn còn những cách hiểu khác nhau, chưa rõ việc giải quyết một phần thời gian đóng là khoảng thời gian nào trong cả quá trình đóng BHXH, chưa kể có nhiều trường hợp đóng gián đoạn, không liên tục… Ngoài ra, nếu phát sinh tình huống khi người lao động quay trở lại tham gia BHXH thì việc cộng nối thời gian sẽ được tính thế nào cũng chưa rõ.
Trong khi đó, một loại ý kiến khác lại ủng hộ phương án 2 vì cho rằng phương án này giúp người lao động có thêm chi phí để giải quyết những khó khăn trước mắt, đồng thời cũng vẫn còn những yếu tố động lực để giữ người lao động ở lại hệ thống lâu hơn, tăng thêm khả năng được thụ hưởng các quyền lợi của BHXH.
Phương án này cũng đảm bảo Quỹ BHXH luôn được duy trì ở trạng thái an toàn cao hơn so với phương án 1 trong các trường hợp người tham gia BHXH bắt buộc đồng loạt rút BHXH một lần, như tình trạng đã từng xảy ra trong đại dịch COVID-19.
Loại ý kiến thứ ba là chưa đồng ý với cả 2 phương án Chính phủ trình. Theo đó, phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút BHXH một lần. Trong khi đó, phương án 2 cho rút 50% là không hợp lý vì số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động là tiền của người lao động và chưa lý giải được về tỷ lệ 50%.
Chỉ nên có một phương án nhưng nhiều phương thức để lựa chọn
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh: “Đề nghị không nên thiết kế thành hai phương án để lựa chọn một phương án mà chỉ nên có một phương án nhưng thiết kế thành nhiều phương thức khác nhau để người lao động lựa chọn. Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đề xuất rõ hơn chính sách về BHXH một lần, đồng thời cần có quy phạm tương ứng cho từng phương án để làm căn cứ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của BHXH”.
![]() |
Vì thế thiết kế BHXH một lần theo phương án nào cần cân nhắc, không nên cấm đoán. |
Thực tế, những đề xuất trên cũng đang có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người băn khoăn khi chỉ được rút BHXH một lần tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng thì quyền lợi của họ có được bảo đảm hay bị thu hẹp?
Riêng địa bàn quận Bình Tân, TPHCM có tổng số người lao động dao động trên dưới 1 triệu người. Tính đến nay, số lao động tại địa phương và cả những địa bàn khác nộp hồ sơ rút BHXH một lần ngày càng tăng mạnh. Với tâm lý “không rút bây giờ thì sau khi có quy định mới làm sao mà rút”, hoặc không rút ngay bây giờ để giải quyết khó khăn trước mắt thì sau khi có quy định mới chỉ có thể rút được 50% và 50% còn lại biết đến bao giờ mới được nhận?
Tại công ty Freetrend, một trong hai đơn vị sản xuất lớn của TPHCM, trước đại dịch có hơn 21.000 công nhân với bộ máy vận hành liên tục thì hai năm trở lại đây, sự tác động của đại dịch quá lớn, tình hình kinh tế tác động khiến đơn vị đã cắt giảm xuống còn hơn 15.000 lao động và cố gắng duy trì hoạt động dù đến thời điểm hiện tại, tình hình chưa mấy khả quan.
Số lao động nghỉ việc đa phần rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống, số còn lại vẫn làm việc nhưng cũng với tâm lý lừng chừng với quyết định có rút một lần ngay thời điểm này hay không.
Trước băn khoăn của người lao động về việc 50% số tiền BHXH còn lại được quản lý thế nào, quyền lợi có được bảo đảm hay bị thu hẹp khi tiếp tục tham gia, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng phần thời gian đóng BHXH còn lại của người lao động vẫn được ghi nhận trên sổ BHXH, để tiếp tục tham gia và thụ hưởng tối đa các quyền lợi về BHXH.
Phương án đi kèm giải pháp hỗ trợ người lao động
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, năm 2022 có gần 1 triệu người giải quyết hưởng BHXH một lần, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Do đó, phải có biện pháp để người lao động ở lại hệ thống lâu hơn và tạo điều kiện để họ có đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Đại biểu Hà cũng kiến nghị mức rút BHXH không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng bảo hiểm của người lao động. Người lao động chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền mà người sử dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này.
Cho rằng rút BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của lao động, tuy nhiên, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa) đánh giá tình trạng lao động rút một lần có xu hướng tăng là "thực tế rất đáng lo ngại". Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, tình hình kinh tế - xã hội, mục tiêu, nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong thực hiện an sinh xã hội toàn dân.
Ông Sơn đồng tình dự thảo cần hướng đến hạn chế rút một lần, song phải có giải pháp hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn như tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động. Bên cạnh đó, để tránh gây sốc về chính sách khiến lao động ồ ạt rút bảo hiểm một lần, cơ quan soạn thảo cần xây dựng lộ trình áp dụng phù hợp.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất phương án tính rút BHXH một lần theo tỷ lệ người lao động được rút 46%, còn 54% để lại quỹ. Bộ trưởng cũng cho rằng cần quy định thời gian bao nhiêu năm, nếu không đóng thì cho rút hay có phương án khác, bởi quy định vẫn đang bỏ ngỏ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn kinh nghiệm quốc tế rất ít quốc gia cho phép rút BHXH một lần. Đa số nước này có mức thu nhập, đời sống tương đối cao, mạng lưới an sinh đảm bảo. "Còn nước ta thì khác. Vì thế, thiết kế BHXH một lần theo phương án nào cần cân nhắc, không nên cấm đoán", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng có thể thiết kế theo hướng cho rút BHXH một lần nhưng vẫn lưu người lao động trong hệ thống để họ có thể quay lại, tránh tác động tiêu cực.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, giảm thời gian đóng từ 20 năm hiện nay xuống 15 năm và tiến tới 10 năm có mâu thuẫn là tuổi hưu tăng nhưng thời gian đóng giảm.
Theo Chủ tịch Quốc hội, xu hướng tiền lương tăng lên, số năm đóng thì ít nhưng tiền đóng thì nhiều. Các nước phát triển đóng được trong thời gian ngắn vì tiền lương hưởng lớn, thu nhập lớn, vì vậy dù thời gian đóng ngắn nhưng mức đóng rất lớn và mức hưởng cũng được chứ không phải như Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tới đây, cải cách tiền lương cũng phải cải cách cả khu vực công lẫn tư. Luật này cũng phải tiến tới thời gian đóng BHXH 10 năm. “Đóng 20 năm mới được hưởng lương hưu thì thấy xa xôi quá, rút xuống 15 năm còn thấy có tương lai, 10 năm thì càng có điều kiện để đóng”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Ninh Giang