Đó cũng là lý do việc nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần được xem là "lợi trước mắt, hại lâu dài" bởi ngay khi hưởng BHXH một lần toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của người lao động không được bảo lưu, đồng thời các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với việc tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Điều chỉnh lương hưu để đảm bảo cuộc sống
Ông Trần Văn Hiền, phường Phú Lương, quận Hà Đông (TP.Hà Nội), chia sẻ trước đây ông làm công nhân ngành than nhưng nghỉ việc khi mới 40 tuổi do hoàn cảnh sức khỏe không cho phép duy trì công việc. Ông đã từng có ý định nhận BHXH một lần nhưng sau đó được nhân viên BHXH giải thích nên tiếp tục tham gia.
Người tham gia BHXH khi hưởng lương hưu được hưởng rất nhiều quyền lợi. |
"Đến giờ, tôi nhận thấy quyết định của mình rất chính xác. Mức lương hưu khởi điểm vào năm 2010 của tôi là hơn 3 triệu đồng, đến nay lương được điều chỉnh lên hơn 4 triệu đồng. Với mức lương này, tôi chủ động về tài chính để đảm bảo cuộc sống mà không phải phụ thuộc con cháu", ông Hiền chia sẻ.
Theo BHXH Việt Nam, mức lương hưu không phải là một mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng để đảm bảo giá trị. Trong 2 năm qua, dù tình hình kinh tế của nước ta có khó khăn nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 01/01/2022. Điều này cho thấy, chính sách của Nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu.
Ông Nguyễn Tiến Thuật (Quỳnh Lưu, Nghệ An), kể năm 1995 - thời điểm ông nghỉ hưu, số tiền lương được nhận là 370.000 đồng/tháng. Thế nhưng đi cùng với những thay đổi của đất nước, lương hưu của ông cũng được điều chỉnh tăng liên tục. Tính đến thời điểm hiện tại mức lương hưu ông là hơn 3,4 triệu đồng.
Như vậy, so với thời điểm ban đầu, lương hưu của ông Thuật đã tăng lên gấp 10 lần. Đặc biệt, ông Thuật còn được cấp thẻ BHYT miễn phí với mức chi trả lên tới 95% chi phí khám chữa bệnh.
Phân tích rõ hơn về quyền lợi, BHXH Việt Nam cho biết người hưởng lương hưu được cấp thẻ BHYT miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi chết với quyền lợi hưởng cao (mức hưởng BHYT của người nghỉ hưu là 95%, trong khi mức hưởng BHYT của người tham gia BHYT hộ gia đình là 80%). Trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật nên việc được chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT sẽ giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình.
Như vậy, có thể thấy, người tham gia BHXH khi hưởng lương hưu được hưởng rất nhiều quyền lợi trong quá trình hưởng lương hưu. Và ngay cả khi qua đời, thân nhân của người tham gia BHXH cũng được hưởng chế độ tử tuất trong khi người hưởng BHXH một lần chỉ được hưởng một số tiền cố định duy nhất và ra khỏi hệ thống BHXH đánh mất đi cơ hội được hưởng an sinh xã hội dài hạn.
Nghiên cứu sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu
Nhận thấy lợi ích này, nhiều người lao động trên cả nước đã tham gia BHXH tự nguyện. Theo ước tính từ BHXH Việt Nam, cả nước đang có trên 1,3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, chủ yếu là nông dân, thành viên hợp tác xã, lao động thuộc khu vực phi chính thức. Kết quả này khá tích cực nhưng vẫn còn hàng triệu lao động vẫn chưa hiểu hết được giá trị khi có lương hưu. Vì vậy, việc tuyên truyền để người lao động nhận thức rõ hơn về quyền lợi của chế độ hưu trí rất quan trọng.
Bà Lý Hoàng Minh, Phó Trưởng phòng Hưu trí, Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống. Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu và trong 2 năm qua dù tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 01/01/2022.
Đối với người nghỉ hưu trước ngày 01/01/1995 nếu sau khi được điều chỉnh tăng theo mức chung 7,4% nhưng mức lương hưu thuộc các trường hợp thấp thì lại tiếp tục được điều chỉnh (tăng thêm 200 nghìn đồng với những người có mức hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng/tháng; tăng lên 2,5 triệu đồng với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng). Điều đó càng minh chứng rõ nét chính sách của Nhà nước ta rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách pháp luật BHXH, BHYT cũng ngày càng được hoàn thiện phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia nói chung và người nghỉ hưu nói riêng. Hiện nay, theo quy định, thời gian người lao động tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm, dẫn tới nhiều người có thời gian tham gia BHXH ngắn nên khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Trước thực trạng này, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH; tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, bổ sung chế độ trợ cấp thai sản nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút, tạo điều kiện để người dân thuộc các khu vực tiềm năng như nông dân, thành viên hợp tác xã, lao động phi chính thức... được tham gia BHXH tự nguyện.
Do vậy, trước khi quyết định hưởng BHXH một lần, người lao động nên cân nhắc kỹ và nghĩ đến các quyền lợi được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động, nhất là trong thời gian tới đây, người lao động sẽ dễ dàng được tiếp cận và thụ hưởng lương hưu khi Nhà nước sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH.
Thy Lê