Đầu tư vùng nguyên liệu sạch, nuôi tôm theo phương pháp an toàn sinh học đang là phương pháp được ưa chuộng trên thế giới. Điều này cũng được HTX Nông ngư Hòa Đê ứng dụng thành công nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người.
Không hóa chất, không kháng sinh
Theo ông Mã Văn Hồng, Giám đốc HTX Hòa Đê, từ khi thực hiện nuôi tôm trên đất trồng lúa theo hướng an toàn sinh học, HTX đã đón rất nhiều đại diện doanh nghiệp nước ngoài đến kiểm chứng quy trình sản xuất.
Từ chỗ người dân chỉ canh tác lúa vào mùa mưa và bắt tôm cá tự nhiên, HTX Hòa Đê đã giúp bà con làm quen và ứng dụng thành công mô hình sản xuất bền vững-luân canh tôm lúa.
HTX không dùng hóa chất trong quá trình sản xuất |
Trong quá trình sản xuất, HTX không dùng hóa chất xử lý nước thải cũng như vùng nuôi. Các thành viên cũng chỉ dùng men vi sinh để khử trùng ao tôm và dùng tỏi để chữa trị khi con tôm bị bệnh. Trong mùa mưa, lúc sản xuất lúa, thành viên cũng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc phân bón hóa học, thậm chí không cày bừa đáy ao để xử lý rơm rạ.
Với cam kết "không hóa chất, không kháng sinh”, HTX hoàn toàn vượt qua các cuộc kiểm tra và hoàn thành các tiêu chí quy định trong sản xuất an toàn sinh học.
Hiện, HTX thu hút 71 thành viên với 81ha đất sản xuất, sản lượng tôm đạt trung bình 141 tấn, sản lượng lúa đạt 196 tấn, lợi nhuận đạt trung bình 6 tỷ đồng/năm.
Con tôm đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giúp mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Việc HTX Hòa Đê đầu tư vùng sản xuất tôm nguyên liệu bảo đảm chất lượng không chỉ tạo niềm tin đối với khách hàng quốc tế mà còn góp phần giải quyết bài toán thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện để người lao động được làm việc trong môi trường ít hóa chất.
Hạn chế tai nạn, bệnh nghề nghiệp
Không chỉ được đánh giá cao về chất lượng sản phẩm, HTX Hòa Đê còn là mô hình kinh tế hợp tác đi đầu trong bảo đảm an toàn lao động, giảm thiệt hại, tai nạn đáng tiếc trong sản xuất nông nghiệp.
Theo Ban giám đốc HTX, bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong sản xuất nông nghiệp chính là nhằm tìm ra các giải pháp để khắc phục, giảm thiểu các tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đảm bảo sức khỏe cho người lao động cũng như người dân sống xung quanh vùng sản xuất và bảo vệ môi trường sống của con người và các loài sinh vật.
Chính vì vậy, ngoài tuân thủ nghiêm các quy tắc sản xuất sinh học, HTX đã đẩy mạnh cơ giới hóa sao cho phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương cũng như trình độ, sức khỏe của người lao động.
Khi nuôi tôm, thành viên phải đào mương sâu xung quanh khu vực sản xuất, sau đó lên bờ bao cao. Nền đất bị ngập nước trong thời gian dài nên đất yếu, dễ bị lún sâu, do đó không thích hợp để sử dụng các loại máy gặt đập liên hợp loại lớn.
Thành viên HTX trong buổi tập huấn sử dụng máy gặt đập mini |
Trồng lúa trên nền ao tôm, thành viên phải cắt lúa bằng tay và sử dụng máy tuốt. Cách làm thủ công này đã đẩy chi phí thu hoạch mỗi công lúa lên trên 700.000 đồng, cao hơn gấp 2 lần so với công thu hoạch ở các vùng chuyên sản xuất lúa.
Để giải quyết khó khăn trên, HTX đã sử dụng máy gặt đập mini. Cách làm này giúp HTX tiết kiệm công lao động cũng như chi phí cho nông dân, giải quyết việc thiếu lao động trong khâu thu hoạch lúa ở địa phương.
Đa số thành viên, người lao động chưa có ý thức về an toàn lao động và các yếu tố độc hại trong môi trường nên việc trang bị kiến thức qua các lớp tập huấn cho người lao động để dự phòng tác hại về bệnh nghề nghiệp là điều cần thiết. Trước khi đưa vào sử dụng các loại máy móc, HTX đã mời chuyên gia Sở NN&PTNT về tư vấn, hướng dẫn và tổ chức các lớp tập huấn về an toàn lao động cho thành viên, người lao động. HTX cũng tạo điều kiện cho các thành viên, người lao động có thể tham gia bảo hiểm nhằm thuận lợi trong khám, chữa bệnh.
Theo Giám đốc Mã Văn Hồng, sản xuất trong ngành nông nghiệp nói chung, nuôi trồng thủy sản nói riêng tưởng như không đáng lo về vấn đề an toàn lao động nhưng thực chất, người lao động phải tiếp xúc nhiều với bùn, nước, làm việc chủ yếu ở ngoài trời nên nếu không cải thiện điều kiện làm việc, họ sẽ phải “sống mòn” trong môi trường lao động nặng nhọc, ô nhiễm.
Từ khi chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật và quan tâm đến an toàn lao động, tình trạng sức khỏe của người lao động được nâng cao. Số người nhiễm các bệnh về da liễu, tai mũi họng, mắt hay các tai nạn nghề nghiệp giảm dần. Người lao động cũng không còn coi thường môi trường, điều kiện lao động như trước.
Như Yến