Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, thời gian thanh tra mỗi đơn vị kéo dài 1-2 ngày làm việc. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2022 đến thời điểm thanh tra.
Hoạt động thanh tra nhằm đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp của các doanh nghiệp. Nội dung tập trung vào tình hình sử dụng lao động; việc trích nộp BHXH; tình hình chốt và trả sổ BHXH cho người lao động; các đơn vị được thanh tra có trách nhiệm báo cáo, chuẩn bị tài liệu cho cuộc thanh tra; chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ tài liệu cung cấp. Thời gian thanh tra bắt đầu 21-29/3.
Việc doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài khiến người lao động không gia hạn được thẻ BHYT để khám chữa bệnh; không chốt được sổ BHXH khi nghỉ việc... |
Thống kê từ cơ quan BHXH cho biết, 20 doanh nghiệp được thanh tra có tổng số nợ hơn 19,5 tỷ đồng, nợ đọng kéo dài 25-99 tháng, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động. BHXH thành phố nhiều lần có văn bản đôn đốc nợ, làm việc trực tiếp nhưng các doanh nghiệp chưa khắc phục.
Đoàn 1 thực hiện thanh tra tại 7 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Cơ khí và Tự động hóa Công nghiệp, Công ty CP Thương mại và Kỹ thuật Việt Sing, Công ty TNHH House 3D, Công ty CP Kỹ nghệ Điện chiếu sáng Việt Nam, Công ty CP Giải pháp Sinnovasoft, Công ty CP Thương mại Nam Thăng Long, Công ty CP Đầu tư phát triển ACOBA An Bình.
Đoàn 2 thực hiện thanh tra tại 6 doanh nghiệp gồm Công ty CP Toàn Phong, Công ty TNHH Thương mại Thời trang Hải Đăng, Viện Kỹ thuật và Công nghệ môi trường, Công ty TNHH Sản xuất Sunflower, Công ty CP Xây dựng và Đầu tư An Thịnh, Công ty CP Đầu tư xây dựng Phát triển nhà Vạn Xuân.
Đoàn 3 thực hiện thanh tra tại 7 doanh nghiệp gồm Công ty CP Cơ khí Vận tải 1-5, Công ty CP Xây dựng và Tư vấn MT Hoàng Huy, Công ty CP Đầu tư xây lắp Toàn Cầu, Công ty CP Nội thất Vĩnh An, Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Quốc Bảo, Công ty CP Đầu tư BKG Việt Nam, Công ty CP Xây dựng Số 1 Sông Hồng.
Theo đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội: "Doanh nghiệp nợ BHXH là nợ người lao động chứ không phải nợ cơ quan BHXH. Các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra cũng nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động và đảm bảo công bằng giữa các đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, BHXH TP Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, tuân thủ pháp luật, chăm lo quyền lợi người lao động".
Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho hay việc xử lý các đơn vị cố tình trốn đóng BHXH theo điều 216 Bộ Luật Hình sự gặp khó khăn. Bốn năm qua, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố 382 vụ trốn đóng BHXH nhưng chưa vụ nào bị xử lý, trong đó có 186 vụ cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Trong năm 2023, thanh tra ngành lao động các cấp sẽ làm việc với các DN nợ đọng, chậm đóng, trốn đóng BHXH nhằm thu hồi nợ. Kế hoạch thanh tra chia làm nhiều đợt trong năm, thực hiện tại nhiều tỉnh - thành, có thanh tra phụ trách các vùng và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương cùng tham gia.
Việc doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài khiến người lao động không gia hạn được thẻ BHYT để khám chữa bệnh; không được hưởng chế độ thai sản, ốm đau; không chốt được sổ BHXH khi nghỉ việc... |
Thanh Hoa