Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Trần Đình Liệu, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đang ngày một được củng cố. Đặc biệt, ngay cả trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, diện bao phủ BHXH, BHYT vẫn tiếp tục được mở rộng. Số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên trên 16,5 triệu người vào năm 2021 (gấp 7,2 lần, bình quân mỗi năm tăng gần 0,9 triệu người).
Phát triển BHXH tự nguyện tăng gấp 241,7 lần
Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 6.000 người năm 2008 lên 1,45 triệu người vào năm 2021 (gấp 241,7 lần, bình quân mỗi năm tăng trên 100.000 người). Tham gia chính sách BHXH tự nguyện, người lao động tự do có cơ hội được hưởng lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí khi hết tuổi làm việc.
Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 6 nghìn người năm 2008 lên 1,45 triệu người vào năm 2021. |
Thời gian qua đã có nhiều mô hình hiệu quả như “nuôi heo đất” để tham gia BHXH. Đơn cử, gia đình bà Huỳnh Bé Sang ở ấp Nhà Thờ (xã An Thạnh Đông, Cù Lao Dung, Sóc Trăng), kinh tế chủ yếu dựa vào chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp. Ý thức được việc tham gia BHXH tự nguyện để sau này về già có lương hưu, không làm gánh nặng cho con cháu nên vợ chồng bà quyết định tham gia.
Mỗi ngày, bà Sang bỏ vào heo đất vài chục nghìn đồng, đến cuối tháng sử dụng để đóng tiền BHXH tự nguyện. “Giờ còn sức làm việc, kiếm được tiền, mình cố gắng bớt ra chút đỉnh nuôi heo đất để tham gia BHXH tự nguyện. Sau này về già không còn phải phụ thuộc tài chính vào con cháu”, bà Sang nói.
Bên cạnh đó, thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy số người tham gia BHTN tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên 13,4 triệu người vào năm 2021 (gấp 2,24 lần, bình quân mỗi năm tăng 0,6 triệu người). Số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên 88,8 triệu người vào năm 2021 (gấp 12,5 lần, bình quân mỗi năm tăng hơn 3 triệu người), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.
Theo đó, từ năm 1995 đến hết năm 2021, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết cho hơn 124,2 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (bình quân mỗi năm gần 5 triệu lượt người hưởng); từ năm 2010 đến hết năm 2021 giải quyết cho trên 7,68 triệu người hưởng các chế độ BHTN (gồm trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề).
Đến cuối năm 2021, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khoảng 3,3 triệu người (tăng 179% so với năm 1995); từ năm 2003 - 2021, toàn ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho trên 2.217 triệu lượt người.
Thách thức "chặn" rút BHXH một lần
Hiện nay, cả nước đã có khoảng 600.000 doanh nghiệp (DN), cơ quan, đơn vị đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho 15,1 triệu người lao động. Trong bối cảnh như vậy, việc DN thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT, BHTN đã giúp người lao động được đảm bảo đầy đủ, kịp thời các quyền lợi, chế độ như: trợ cấp thất nghiệp, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí, BHYT…
Theo đó, trong suốt những năm qua đã có hàng trăm triệu lượt người lao động được thụ hưởng các chính sách này, góp phần giúp người lao động vượt qua khó khăn, đảm bảo và ổn định cuộc sống, cũng như được khám chữa bệnh kịp thời. Qua đó giúp người lao động yên tâm làm việc, cống hiến, gắn bó, đồng hành cùng DN, tiếp tục cống hiến xây dựng đất nước.
Tuy vậy, việc phát triển BHXH trong thời gian tới vẫn còn đối mặt nhiều thách thức như tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, hạn chế số người rút BHXH một lần. Hiện, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất phương án người lao động chỉ được rút phần mình đã đóng là 8%, phần của người sử dụng lao động 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc sẻ chia. Tức là 14% này sẽ được bảo lưu và cộng nối thời gian khi người lao động tiếp tục tham gia BHXH nhằm tích lũy đủ điều kiện hưởng hưu. Việc này nhằm đạt mục tiêu đảm bảo an sinh bền vững cho người dân.
Một số ý kiến cho rằng giữ lại phần đóng góp của chủ sử dụng lao động trong quỹ BHXH là có lợi cho người lao động, chứ không phải tốt cho quỹ. Nếu khoản tiền đó được để lại thì sẽ được cộng vào quá trình nếu họ quay lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trường hợp người lao động không quay lại thị trường và khi họ đến tuổi hưu sẽ được trả ngay trợ cấp xã hội (hiện nay là 360.000 đồng mỗi tháng) mà không phải chờ đến 80 tuổi....
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cần tôn trọng nguyện vọng tâm tư của người lao động. Cơ quan quản lý cần phải xác định rõ tiền đóng vào quỹ BHXH dù là phần đóng góp của lao động hay chủ sử dụng đều là tiền của người lao động. Do đó, họ có quyền quyết định rút ra hay để lại quỹ. Vấn đề quan trọng nhất là phải tuyên truyền để người lao động không rút một lần và chờ hưởng lương hưu để đảm bảo tuổi già không phụ thuộc con cháu, trở thành gánh nặng cho xã hội.
Theo đó, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho hay sẽ nghiên cứu thêm các phương án khác và sẽ có đánh giá tác động rất kỹ, xin ý kiến theo đúng quy trình xây dựng các dự thảo luật, sửa đổi, bổ sung. Việc sửa đổi luật sẽ bảo đảm hài hòa giữa đặt mục tiêu an sinh xã hội lâu dài với nhu cầu rút BHXH một lần trước mắt khi người lao động gặp khó khăn về tài chính.
Thy Lê