Nếu góp đủ theo đăng ký với cả hai công ty người đứng đầu sẽ chi ra gần 523.000 tỷ đồng, tương đương 22,6 tỷ USD. |
Cụ thể gồm CTCP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group) có trụ sở chính tại tầng 46, Tòa nhà Bitexco Financial Tower với vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng và CTCP Tập đoàn Kinh doanh tự động Toàn cầu (GAB Group) có vốn 25.000 tỷ đồng, trụ sở tại Tầng 72, Toàn nhà Landmark 81.
Cả 2 công ty này đều cùng có ngành nghề kinh doanh chính là Sản xuất phần mềm cũng như có cùng cổ đông chính và Tổng giám đốc là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, sinh năm 1986. Theo đăng ký thì doanh nhân 35 tuổi này sẽ góp 499.998 tỷ đồng vào Auto Investment Group và 23.000 tỷ đồng vào GAB Group.
Quy mô vốn của Auto Investment Group vượt xa các doanh nghiệp hàng đầu thị trường hiện nay, thậm chí bao gồm cả chỉ tiêu vốn hóa. Đơn cử như Tập đoàn Vingroup, doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán, hiện có vốn điều lệ hơn 34.000 tỷ đồng, với vốn hóa trên thị trường gần 400.000 tỷ đồng. Đứng thứ hai là Vietcombank với vốn hóa hơn 360.000 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt hơn 37.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986) là cổ đông lớn nhất, đăng ký góp 499.998 tỷ đồng, tương đương 99,996% vốn điều lệ.
Ngoài ông Quốc Anh, hai cá nhân góp vốn khác là Nguyễn Thị Diễm Hằng và Lưu Hữu Thiện, mỗi người đăng ký góp 1 tỷ đồng, tương đương 0,002% vốn điều lệ.
Ba cá nhân này còn góp vốn vào một doanh nghiệp khác, là CTCP Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn Cầu (GAB Group). Công ty này đăng ký vốn điều lệ 25.000 tỷ đồng, đặt trụ sở tại tầng 72, tòa nhà Landmark 81, TP. HCM. Cấu trúc sở hữu cũng tương tự, khi ông Quốc Anh là cổ đông lớn nhất đăng ký góp 23.000 tỷ đồng (92%). Hai cổ đông Nguyễn Thị Diễm Hằng và Lưu Hữu Thiện mỗi người đăng ký góp 1.000 tỷ đồng (4%).
Hai công ty này cùng đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất phần mềm. Đồng thời, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh giữ vai trò đại diện theo pháp luật và tổng giám đốc cả hai công ty.
Nếu góp đủ theo đăng ký với cả hai công ty, ông Quốc Anh sẽ chi ra gần 523.000 tỷ đồng, tương đương 22,6 tỷ USD. Hiện tại, người giàu nhất Việt Nam theo công nhận của Tạp chí Forbes (Mỹ) là ông Phạm Nhật Vượng với tài sản 8,1 tỷ USD.
Đầu năm 2020, Hà Nội cũng ghi nhận một trường hợp doanh nghiệp đăng ký vốn cao đột biến. Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (USC Interco) được đăng ký với vốn 144.000 tỷ đồng, cũng do các cổ đông cá nhân đóng góp.
Tuy nhiên, bà Kim Thị Phương, một trong ba cổ đông của doanh nghiệp này đã thừa nhận số vốn 144.000 tỷ là do hai cổ đông còn lại "say rượu, đăng ký nhầm", và sau đó công ty này đã âm thầm biến mất.
Theo TS. Nguyễn Chí Hiếu – chuyên gia kinh tế - khi thành lập, rất nhiều doanh nghiệp đăng ký vốn cao hơn số thực góp. Họ ít khi để ý đến việc tính toán số vốn đăng ký là bao nhiêu cho hợp lý. Việc này dẫn đến những hệ lụy cho doanh nghiệp, đôi khi là rất nặng nề. Nó tác động đến quản trị công ty, mối quan hệ giữa các cổ đông và cả rủi ro về thuế.
Bên cạnh đó, với cái mác “hoành tráng” về vốn như vậy, không thiếu những vụ việc doanh nghiệp câu kéo được hợp đồng vượt quá sức của mình, thậm chí là lợi dụng “lý lịch đẹp” để lừa đối tác. Chưa kể, các tranh chấp về quyền biểu quyết, tỷ lệ ăn chia, quy trách nhiệm… cũng xảy ra rất nhiều xung quanh câu chuyện góp vốn ảo.
Điển hình như trong vụ án Alibaba lừa đảo hàng nghìn khách hàng với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng – một vụ án chấn động giới đầu tư bất động sản, với hơn 40 dự án “bánh vẽ”. Làm sao khách hàng, nhà đầu tư lại tin tưởng giao tiền cho Alibaba?
Ông Hiếu cho rằng, một phần niềm tin đó được tạo ra từ “hồ sơ năng lực tài chính” ảo “đẹp như tranh” của doanh nghiệp này.
L.L