Hình ảnh bất ngờ về trụ sở doanh nghiệp đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng (Ảnh: Internet) |
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho biết trong tháng 1, CTCP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ, thương mại USC đã đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD). Tuy nhiên, trụ sở đăng ký kinh doanh của công ty này chỉ là ngôi nhà nhỏ nằm trong xóm ở thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Doanh nghiệp (DN) này đăng ký ngành nghề kinh doanh trong các lĩnh vực xây dựng, buôn bán vật liệu xây dựng, đồ dùng gia đình, tư vấn đầu tư xây dựng, bán buôn bán lẻ máy móc, thiết bị phụ tùng, đại lý hàng hóa…
Người đại diện pháp luật của công ty là ông Trần Gia Phong, sinh năm 1979, thường trú ở cụm 3, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, cùng với 3 cá nhân khác tham gia góp vốn đều thường trú ở huyện Đan Phượng, và cam kết góp hoàn toàn bằng tiền VND.
Thông tin này khiến giới tài chính xôn xao bởi số vốn điều lệ “siêu khủng” của DN vượt qua số vốn điều lệ của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), của 4 ngân hàng thương mại nhà nước cộng lại và chỉ kém Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Các chuyên gia và nhà quản lý đặt ra nghi ngờ "siêu DN" có vốn đăng ký 144.000 tỷ đồng có thể kê khai vốn ảo.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cho biết Luật ghi rõ thông tin đăng ký phải trung thực, đúng và hiện nay khuôn khổ pháp luật hoàn toàn có đủ căn cứ xử phạt trường hợp khai không đúng. Cụ thể là Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về kế hoạch và đầu tư quy định: nếu sau 90 ngày không hoàn thành tỷ lệ vốn góp theo cam kết sẽ bị xử phạt và buộc phải giảm vốn đúng thực tế.
Luật DN sửa đổi khuyến khích người dân bỏ vốn kinh doanh và tự kê khai, là bước tiến mới trong pháp luật. Trách nhiệm của Nhà nước không phải xác minh DN có bao nhiêu tiền, mà nghĩa vụ của DN là phải kê khai đúng.
"Theo tôi, Nhà nước cần khuyến nghị các bên liên quan phải cam kết vốn DN. Tuy nhiên, các bên liên quan phải cân nhắc, cẩn trọng với thông tin. Chính vì vậy, trước khi làm ăn với DN, cần phải tìm hiểu kỹ về DN đó. Riêng một số ngành như ngân hàng, bảo hiểm phải có số vốn tối thiểu, đủ vốn để kinh doanh, còn lại các ngành khác là mở rộng", ông Tuấn cho hay.
Điều 24, Nghị định 50 năm 2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký DN. Đồng thời, buộc đăng ký lại các thông tin DN kê khai không trung thực, không chính xác.
Theo ông Tuấn, áp dụng trong trường hợp của DN có đăng ký vốn "siêu khủng" này, nếu đây chỉ là thông tin DN "nổ" mà không gây thiệt hại cho ai thì không có vấn đề gì, nhưng nếu khai khống vì mục đích lừa đảo là vi phạm pháp luật.
Ông Tuấn phân tích, DN mới đăng ký kinh doanh cũng cần có thời gian thu xếp vốn. Vì vậy, luật quy định thời hạn 90 ngày. Chẳng hạn, một DN có nhiều người cùng góp vốn, có người góp bằng tiền, có người góp bằng tài sản, người góp bằng thương hiệu… nên cần có thời gian để họ thu xếp vốn. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng thời hạn 90 ngày rất ngắn, các cơ quản quản lý cần linh hoạt.
Từ vụ việc mới này, ông Tuấn đánh giá thông qua hệ thống đăng ký quản lý kinh doanh tập trung, cơ quan quản lý dễ dàng giám sát, phát hiện ra những DN có dấu hiệu nghi ngờ khai báo về vốn không trung thực để thực hiện thanh, kiểm tra. "Về mặt quản lý rủi ro, hình thức này là rất tốt", ông Tuấn cho hay.
Đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết đã khoanh vùng, theo dõi chặt chẽ, giám sát quá trình góp vốn theo số vốn đã đăng ký của CTCP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ, thương mại USC.
“Trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước nếu hợp lệ thì cấp cho DN. Nhưng trường hợp nếu phát hiện bất thường thì thông báo cho cơ quan liên quan để phối hợp quản lý. Với trường hợp này, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thấy và ngay từ đó đưa vào diện theo dõi đặc biệt", lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho hay.
Tuy nhiên, trong trường hợp DN khai khống vốn đăng ký kinh doanh nhằm mục tiêu lừa đảo khai khống để đáp ứng quy định về hồ sơ thầu, hoàn toàn có thể bị cơ quan chức năng xử lý hình sự.
Theo Luật DN, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Nếu DN không góp đủ vốn và không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, theo Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về việc vi phạm các quy định về thành lập DN, hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Đồng thời, DN cũng phải khắc phục hậu quả, bằng cách đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn góp đối với hành vi vi phạm. |
Thanh Hoa