Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, Xây dựng Hoà Bình đạt doanh thu thuần 1.893 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn tăng cao nên lợi nhuận gộp giảm 86% còn 40 tỷ đồng.
Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm một nửa còn 79 tỷ đồng, song chi phí lãi vay tăng 18% lên 145 tỷ đồng. Kết quả, Xây dựng Hoà Bình lỗ sau thuế 170 tỷ đồng (cùng kỳ có lãi hơn 5 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 168 tỷ đồng, trong khi quý III/2022 lãi 6 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Xây dựng Hoà Bình ghi nhận doanh thu thuần giảm 51% về mức 5.356 tỷ đồng và lỗ sau thuế 884 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của Tập đoàn tính tới 30/9 là 2.980 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu giảm mạnh về 352 tỷ đồng.
Lỗ lũy kế của Xây dựng Hòa Bình tính tới 30/9/2023 là 2.980 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu giảm mạnh về 352 tỷ đồng. |
Được biết, năm 2023, Xây dựng Hòa Bình đặt kế hoạch tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Như vậy, Tập đoàn mới đạt 43% chỉ tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi.
Tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức ngày 17/10 vừa qua, ông Lê Viết Hiếu - Phó Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình cho biết, khả năng để doanh nghiệp đạt được kế hoạch kinh doanh 2023 thật sự khó khăn. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu mảng xây dựng của Tập đoàn, các chủ đầu tư vẫn chưa xử lý được vấn đề pháp lý cũng như bán hàng.
Xây dựng Hòa Bình có kế hoạch chuyển nhượng 100% vốn tại công ty con là Công ty TNHH Máy Xây dựng Matec cho Ashita Group, dự kiến thu về 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị huỷ bỏ. Vì vậy, Tập đoàn ước tính doanh thu hợp nhất năm 2023 sẽ đạt 7.800 tỷ đồng, còn lợi nhuận âm.
Tại thời điểm cuối quý III, quy mô tài sản của Xây dựng Hoà Bình là 13.697 tỷ đồng, giảm 12% so với hồi đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là khoản phải thu ngắn hạn với giá trị 8.857 tỷ đồng, giảm hơn 1.800 tỷ đồng so với đầu năm. Tập đoàn đã phải trích lập dự phòng 2.505 tỷ đồng cho các khoản phải thu khó đòi.
Các tài sản đáng kể khác là hàng tồn kho (2.296 tỷ đồng); tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn (548 tỷ đồng), đầu tư vào công ty liên kết (gần 342 tỷ đồng, gấp 1,2 lần so với đầu năm). Trong kỳ, tập đoàn đã góp hơn 193 tỷ đồng vào CTCP Bất động sản Thành Ngân.
Tổng nợ vay của Xây dựng Hoà Bình tại ngày 30/9 là 5.150 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là từ các ngân hàng. Tổng chi phí lãi vay 9 tháng là 419 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng tại ĐHĐCĐ bất thường vừa qua, lãnh đạo doanh nghiệp thông tin đã tất toán công nợ 1.327 tỷ đồng tại 7 ngân hàng trong ngày 16/10 và dư nợ còn lại tại các ngân hàng này khoảng 4.756 tỷ đồng.
Trước đó, trong quý II, Xây dựng Hòa Bình thu về lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt mức 585 tỷ đồng và 546 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 748% và 1113% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng ghi nhận tăng trưởng 82,2% lên mức 102 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận ròng đến 4 con số trong quý II/2023 của Tập đoàn chủ yếu đến từ thanh lý tài sản cố định, vật tư mà không phải từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp nên tương đối không bền vững.
Trên sàn chứng khoán, do liên tục chậm trễ nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán cùng lợi nhuận trên báo cáo tài chính là con số âm, cổ phiếu HBC đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM chuyển từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch và theo dõi đặc biệt.
Chốt phiên cuối tháng 31/10, cổ phiếu HBC giảm về mức 6.800 đồng/cp.
Châu Anh