Cụ thể, doanh thu thuần sau kiểm toán tăng 26 tỷ đồng, đạt mốc 14.149 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đã được điều chỉnh về mức âm 2.594 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.450 tỷ đồng so với trước kiểm toán. Đây cũng là số lỗ lớn nhất của Xây dựng Hoà Bình kể từ khi niêm yết.
Mặc dù lỗ khủng 2.560 tỷ sau kiểm toán, Xây dựng Hòa Bình vẫn muốn phát hành 274 triệu cổ phiếu. |
Việc thua lỗ lớn trong năm 2022 khiến vốn chủ sở hữu của Xây dựng Hòa Bình tại ngày 31/12/2022 chỉ còn 1.196 tỷ đồng, giảm 70,5% so với cuối năm 2021. Quy mô tổng tài sản đạt 15.573 tỷ đồng.
Năm 2023, Xây dựng Hoà Bình đặt mục tiêu 7.500 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 100 tỷ đồng. Do năm 2022 thua lỗ nên doanh nghiệp đề xuất không chia cổ tức đồng thời không có thưởng cho HĐQT, ban điều hành và cán bộ trọng yếu.
Kết thúc quý 1/2023, công ty báo lỗ sau thuế thêm 445 tỷ đồng, trên nền doanh thu giảm quý thứ 3 liên tiếp về mức 1.194 tỷ đồng.
Mặc dù ghi nhận kinh doanh lỗ lớn, song trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên, dự kiến tổ chức chiều ngày 27/6 sắp tới, Xây dựng Hòa Bình vẫn dự kiến trình cổ đông phương án phát hành 274 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược/nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; giá phát hành không thấp hơn 12.000 đồng/cp.
Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 sau khi được UBCKNN chấp thuận. Nếu thành công, số tiền tối thiểu Hòa Bình có thể thu về là 3.288 tỷ đồng.
Mục đích chào bán để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với đối tác (nhà thầu phụ, nhà cung cấp, nhà sản xuất); thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án.
Cùng trong tài liệu ĐHĐCĐ, công ty dự kiến bầu ông Lê Văn Nam và ông Mai Hữu Thung vào vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2024. Được biết, đây là 2 ứng viên do ông Lê Viết Hải với danh nghĩa cổ đông lớn có tỷ lệ sở hữu 17,14% đề cử.
Ông Lê Văn Nam sinh năm 1976, là nhân sự vừa được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Hòa Bình ngày 1/6. Ông Nam đã công tác tại nhà thầu xây dựng này từ năm 2001 với vị trí Kỹ sư giám sát, sau đó thăng tiến lên Chỉ huy phó, Chỉ huy trưởng, Giám đốc dự án...
Giai đoạn 2014-2019, ông Nam là Phó tổng giám đốc phụ trách khu vực miền Bắc của Xây dựng Hòa Bình. Đến giữa năm 2019, ông Nam từ nhiệm vị trí này và chuyển qua làm Tổng giám đốc tại CTCP Xây dựng SCG.
Ông Mai Hữu Thung sinh năm 1959, hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Thành Ngân và thành viên Ban kiểm soát CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 1 (TV1). Trước đó, từ năm 1991 tới 2018, ông Thung từng công tác tại Tập đoàn Bảo Việt.
Đồng thời, cổ đông sẽ bỏ phiếu miễn nhiệm cho bốn thành viên gồm: ông Nguyễn Công Phú - Thành viên độc lập HĐQT (đã có đơn từ nhiệm tư cách thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2021 - 2024 và đã được HĐQT thông qua từ ngày 13 tháng 02 năm 2023); ông Albert Antoine - Thành viên HĐQT (đã có đơn từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 -2027 và đã được HĐQT thông qua từ ngày 01 tháng 03 năm 2023); ông David Martin Ruiz - Thành viên HĐQT (đã có đơn từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027 và đã được HĐQT thông qua từ ngày 18 tháng 05 năm 2023); ông Lê Quốc Duy - Thành viên HĐQT (đã có đơn từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024 và đã được HĐQT thông qua từ ngày 09 tháng 6 năm 2023) và ông Dương Văn Hùng - Thành viên độc lập HĐQT.
Ở chiều ngược lại, một Thành viên HĐQT hiện tại của Xây dựng Hòa Bình là Lê Quốc Duy đã nộp đơn từ nhiệm vào ngày 9/6/2023.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HBC đang bị đưa vào diện hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch trong phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận kể từ 23/5 vừa qua. Chốt phiên 19/6, cổ phiếu HBC giảm về mức 8.830 đồng/cp.
Trên một diễn biến liên quan đến cổ phiếu HBC, ông Lê Văn Nam, Tổng Giám đốc đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 20/6-19/7. Nếu giao dịch thành công, ông Nam sẽ tăng sở hữu tại Xây dựng Hòa Bình lên 2,03 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 0,74%.
C.Anh