Được biết, ông Nguyễn Trung Thành tham gia vào tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từ tháng 3/2021.
Đơn vị kiểm toán cho rằng, sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Xây dựng Hòa Bình. |
Đáng chú ý, việc Giám đốc tài chính của Xây dựng Hòa Bình bị miễn nhiệm trong bối cảnh tập đoàn vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Cụ thể, năm 2022, Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần tăng 26 tỷ đồng sau kiểm toán, đạt 14.149 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán chiếm tới gần 97% của doanh thu thuần khiến lợi nhuận gộp của tập đoàn chỉ còn 470 tỷ đồng.
Các khoản chi phí của tập đoàn trong năm đều tăng mạnh so với năm trước. Trong đó, chi phí quản lý doanh nghiệp gấp 5,4 lần năm 2021, lên mức 2.246 tỷ đồng, chủ yếu là do trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi lên tới 1.689 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, tập đoàn báo lỗ sau thuế 2.570 tỷ đồng, riêng lỗ sau thuế công ty mẹ là 2.566 tỷ đồng, trong khi ở báo cáo tự lập, khoản lỗ này chỉ ở mức 1.138 tỷ đồng, tức lỗ ròng thêm gần 1.430 tỷ đồng sau kiểm toán.
Đây cũng là lần đầu tiên, doanh nghiệp này báo lỗ kể từ khi niêm yết.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Hòa Bình giảm gần 1.000 tỷ xuống còn 15.594 tỷ đồng, trong đó, khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 10.672 tỷ đồng, chiếm tới 68% tổng tài sản. Nợ phải trả của tập đoàn lên tới 14.375 tỷ đồng, chiếm 92% tổng nguồn vốn.
Tại báo cáo kiểm toán, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh việc Xây dựng Hòa Bình phát sinh khoản lỗ thuần cho năm tài chính tính đến ngày 31/12/2022 là 2.570 tỷ đồng.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng âm 883 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động đầu tư âm 553 tỷ đồng, dòng tiền cho hoạt động tài chính ở mức 1.198 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty kiểm toán nhấn mạnh, Xây dựng Hòa Bình có các khoản nợ vay đã quá hạn, trong đó có một số khoản vay đã được các ngân hàng đồng ý gia hạn.
Đối với các khoản vay còn lại đã quá hạn hoặc sắp đến hạn, phía doanh nghiệp đang trong quá trình thương thảo với ngân hàng để xin gia hạn.
Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.
Lý giải về kết quả kinh doanh kém sáng, Hòa Bình cho biết do ảnh hưởng chính sách kinh tế vĩ mô năm 2022, nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn trong thanh khoản, nhiều doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh mất khả năng thanh toán, thu gọn quy mô và diện tích kinh doanh.
Cùng với đó, tình hình kinh tế chung năm 2022 có nhiều biến động làm khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu dẫn đến giá thành, chi phí vận chuyển tăng cao. Đồng thời, chính sách thắt chặt bất động sản làm cho nhiều dự án lớn phải dừng thi công, từ đó đẩy chi phí thuê máy móc thiết bị tăng, làm lợi nhuận gộp giảm.
Việc kết quả kinh doanh ghi nhận biến động mạnh sau kiểm toán, phía Hòa Bình mới đây đã có văn bản giải trình về các chênh lệch có trong báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Trên sàn chứng khoán, mặc dù đã nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, song cổ phiếu HBC vẫn đang nằm trong diện hạn chế giao dịch từ 23/5/2023. Chốt phiên ngày 3/7, cổ phiếu HBC đang dừng ở mức 9.990 đồng/cp.
Châu Giang