Thế giới: hầu hết các chỉ số giảm
Tại thị trường chứng khoán Mỹ, trở lại giao dịch sau ngày nghỉ lễ, phố Wall vẫn chưa thể thoát khỏi đà sụt giảm khi tâm lý thận trọng bủa vây các nhà đầu tư trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (8/9).
Phố Wall vẫn chưa thể thoát khỏi đà sụt giảm khi tâm lý thận trọng bủa vây các nhà đầu tư. |
Kết thúc phiên 8/9, chỉ số Dow Jones giảm 159,42 điểm (-0,56%), xuống 27.500,89 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 95,12 điểm (-2,78%), xuống 3.331,84 điểm; chỉ số Nasdaq Composite giảm 465,44 điểm (-4,11%), xuống 10.847,69 điểm.
Trong khi đó, căng thẳng Brexit đè nặng khiến thị trường chứng khoán châu Âu lao dốc. Các cuộc đàm phán thương mại, yếu tố then chốt đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) một cách suôn sẻ, đang rơi vào tình trạng bế tắc sau khi Anh cảnh báo EU, London có thể sẽ "không cần" đến thỏa thuận "ly hôn" đã ký với EU nếu liên minh không nhất trí với thỏa thuận thương mại tự do giữa hai bên vào ngày 15/10 tới.
Kết thúc phiên 8/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm -7,10 điểm (-0,12%), xuống 5.930,30 điểm; chỉ số DAX tại Đức giảm 131,95 điểm (-1,01%), xuống 12.968,33 điểm; chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 80,20 điểm (-1,59%) xuống 4.973,52 điểm.
Tại thị trường chứng khoán châu Á, chốt phiên giao dịch chiều 8/9, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 184,18 điểm (hay 0,5%) lên 23.274,13 điểm. Tại thị trường Seoul, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc đóng cửa phiên giao dịch tăng 17,69 điểm (0,74%), lên 2.401,91 điểm.
Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia đi lên phiên thứ hai liên tiếp khi tăng 63 điểm (1,06%) lên 6.007,80 điểm, với sự dẫn dắt của các mã cổ phiếu ngành tài chính, nguyên vật liệu và chăm sóc sức khỏe.
Cùng trong xu hướng chung, 2 sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt của Trung Quốc là Thượng Hải và Hong Kong đều tăng điểm. Khép lại phiên, chỉ số Shanghai Composite tăng 23,83 điểm (0,72%) lên 3.316,42 điểm, chỉ số Hang Seng tăng 34,69 điểm (0,14%) lên 24.624,34 điểm.
Việt Nam: ngược chiều tiếp diễn?
Chốt phiên giao dịch ngày 8/9, tại Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), chỉ số HNX-Index đóng cửa tại mức 124,80 điểm, giảm 0,63 điểm (-0,50%). Thanh khoản đạt tổng cộng có hơn 50,43 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị tương ứng đạt hơn 607,67 tỷ đồng. Toàn sàn có 94 mã tăng, 189 mã đứng giá và 73 mã giảm giá.
Về mặt tâm lý, phiên tăng điểm của VN-Index ngày 8/9 được nhìn nhận là sẽ mang lại hy vọng cho thị trường bước vào sóng tăng tiếp diễn (Ảnh Int) |
Trên thị trường UPCoM, chỉ số UPCoM Index tăng điểm, đóng cửa tại mức 58,79 điểm, tăng 0,15 điểm (+0,25%). Thanh khoản toàn thị trường, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 15,26 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 204,13 tỷ đồng.
Tại Sàn Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE), chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 1,89 điểm (+0,21%) và lên mức 890,14 điểm. Thanh khoản đạt hơn 290,22 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt 5.653,46 tỷ đồng. Toàn sàn có 249 mã tăng, 64 mã đứng giá và 160 mã giảm giá.
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán MB (MBS), khi diễn biến thị trường có những dấu hiệu khiến nhà đầu tư có cảm giác không chắc chắn thì thị trường lại “khỏe” bất ngờ cùng với thanh khoản giữ ở mức cao, và phiên ngày 8/9 là một trong những phiên như vậy. Tưởng chừng như chỉ số VN-Index sẽ quay về kiểm định ngưỡng 880 điểm sau phiên điều chỉnh hôm 7/9 thì thị trường tiếp tục được kéo lên và giữ vững mốc 890 điểm.
Về mặt tâm lý, phiên tăng ngày 8/9 sẽ mang lại hy vọng cho thị trường bước vào sóng tăng tiếp diễn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý khi thị trường có thể cần kiểm định lại quanh mốc ngắn hạn này và những phiên điều chỉnh có thể xảy ra để tạo đà bứt phá cho xu hướng tăng tiếp diễn.
P.L