Thế giới: diễn biến trái chiều
Trong phiên giao dịch ngày 7/9, thị trường chứng khoán châu Âu và thị trường chứng khoán châu Á có những diễn biến trái chiều.
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang (Ảnh Int) |
Chứng khoán châu Âu sau một tuần giao dịch không mấy tích cực đã không còn bị ảnh hưởng bởi các chỉ số ảm đạm của chứng khoán Mỹ trong phiên cuối tuần trước.
Khởi đầu tuần mới (7/9), các thị trường chính ở châu Âu đồng loạt tăng điểm trong phiên trước thông tin các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại Anh - Liên minh châu Âu (EU) hậu Brexit sẽ được khởi động lại vào thứ Ba (8/9).
Ngoài ra, dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc tháng 8 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2019, cho thấy nhiều đối tác thương mại của Bắc Kinh, trong đó có khu vực đồng Euro cũng đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế.
Kết thúc phiên 7/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 138,32 điểm (+2,39%), lên 5.937,40 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 257,62 điểm (2,01%), lên 13.100,28 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 88,65 điểm (+1,79%) lên 5.053,72 điểm.
Trong khi đó, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang, và công nghệ là lĩnh vực phải “chịu trận”.
Chứng khoán Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7 do giới đầu tư tỏ ra thận trọng theo dõi diễn biến giá cổ phiếu SMIC - nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, sau thông tin chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc liệt tập đoàn này vào “danh sách đen” như Huawei trước đó.
Chứng khoán Nhật Bản giảm điểm dưới áp lực lao dốc từ cổ phiếu của SoftBank Group, sau khi tập đoàn này thông báo đã đặt cược lớn vào cổ phiếu công nghệ của Mỹ thông qua công cụ phái sinh.
Điểm sáng duy nhất là chứng khoán Hàn Quốc tăng điểm nhờ được hỗ trợ từ thông tin Samsung Electronics giành được đơn đặt hàng trị giá 6,64 tỷ USD từ Verizon.
Kết thúc phiên 7/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 115,48 điểm (-0,50%), xuống 23.089,95 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 62,78 điểm (-1,87%), xuống 3.292,59 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 105,80 điểm (-0,43%), xuống 24.589,65 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 15,97 điểm (+0,67%), lên 2.384,22 điểm.
Việt Nam: áp lực bán mạnh
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, áp lực bán mạnh xuất hiện ở phiên chiều đã khiến chỉ số VN-Index liên tục lao dốc và mất hơn 13 điểm trong phiên đầu tuần.
VN-Index giảm mạnh trong phiên đầu tuần, đi kèm với đó là việc thanh khoản gia tăng cho thấy áp lực bán khá mạnh (Ảnh Int) |
Khép lại phiên giao dịch ngày 7/9, chỉ số VN-Index giảm 13,29 điểm (tương đương 1,47%) xuống 888,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 434,062 triệu đơn vị, giá trị hơn 7.587 tỷ đồng.
Tương tự, chỉ số HNX-Index kết phiên giảm 0,72 điểm (tương đương 0,57%) xuống 125,43 điểm. Chỉ số UPCoM-Index cũng giảm 0,25 điểm (tương đương 0,42%) xuống 58,64 điểm.
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index giảm mạnh trong phiên đầu tuần, đi kèm với đó là việc thanh khoản gia tăng cho thấy áp lực bán khá mạnh.
Trên góc nhìn kỹ thuật, với phiên giảm này, VN-Index đã xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ quan trọng quanh 900 điểm, qua đó mở ra dư địa tiếp tục giảm với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 880 điểm.
SHS dự báo trong phiên giao dịch ngày 8/9, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 880 điểm. Những nhà đầu tư đã bán ra một phần danh mục quanh ngưỡng 900 điểm trong tuần trước đó và phiên hôm nay có thể tiếp tục canh những nhịp hồi phục lên quanh ngưỡng 900 điểm (nếu có) để chốt lời.
Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục được khuyến nghị có thể cân nhắc mua bắt đáy một phần nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 870 điểm.
Đ.N