Mỹ: dư địa rất lớn cho “điều chỉnh”
Chốt phiên cuối tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 159,42 điểm (0,6%) xuống 28.133,31 điểm, sau khi giảm 628 điểm xuống mức thấp trong phiên.
Chứng khoán Mỹ lao dốc trong hai phiên cuối tuần qua sau một thời gian dài liên tục tăng điểm (Ảnh Int) |
Chỉ số S&P 500 giảm 28,1 điểm (0,8%) xuống 3.426,96 điểm. Trong khi chỉ số Nasdaq Composite giảm 144,97 điểm (1,3%) xuống 11.313,13 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,3%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3, trong khi chỉ số Dow Jones mất 1,8% và chỉ số S&P 500 lùi 2,3%.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc các chỉ số liên tục lao dốc, thị giá của các công ty công nghệ lớn “bốc hơi” hàng trăm tỷ USD trong một ngày trong tuần qua không có nghĩa là thị trường sẽ “rơi tự do” như thời điểm “bong bóng” dotcom đổ vỡ vào đầu năm 2000. Không có điều gì đảm bảo vụ đổ vỡ tiếp theo không xảy ra, nhất là khi những biến động dữ dội, bất ngờ như vậy phần nào phản ánh những yếu tố “không lành mạnh” trên thị trường. Tuy nhiên, vẫn có những bằng chứng cho thấy, vụ đổ vỡ tiếp theo chưa xảy ra.
Trước tiên, nhìn vào hành trình của nhóm FAANG (các cổ phiếu công nghệ lớn, được ưa chuộng gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Alphabet – công ty mẹ của Google) kể từ đầu năm tới nay, dễ nhận thấy đà tăng của các cổ phiếu này rất ấn tượng.
Nếu đợt bán tháo vừa rồi là sự điều chỉnh của thị trường, thì vẫn còn dư địa rất lớn để tiếp tục “điều chỉnh”.
Bên cạnh đó, có điểm khác biệt giữa diễn biến thị trường hiện tại và “bong bóng” dotcom cách đây 20 năm. Cụ thể, các cổ phiếu công nghệ lớn hiện tại có thể đang bị định giá cao, nhưng nền tảng của doanh nghiệp là vững vàng. Động lực cho đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ xuất phát từ khả năng tạo ra lợi nhuận “khủng”...
Trong khi đó, phỏng vấn của Reuters đối với các nhà quản lý quỹ và chiến lược gia cho thấy, sự sụt giảm trong 2 phiên cuối tuần có thể là dấu hiệu dự báo cho 2 tháng tới khi các nhà đầu tư tổ chức trở lại sau kỳ nghỉ hè và tập trung sự chú ý vào những ẩn số khó lường về kinh tế, sự hồi phục kinh tế những tháng cuối năm là không chắc chắn.
Việt Nam: thị trường tiếp tục thể hiện sức “kháng cự” tốt?
Tuần qua là tuần thứ 6 liên tiếp tăng điểm của chỉ số VN-Index. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 22,56 điểm (2,57%) lên 901,54 điểm; HN-Index tăng 0,31 điểm (0,25%) lên 126,15 điểm.
Áp lực từ thị trường chứng khoán thế giới khiến thị trường điều chỉnh giảm trở lại phiên cuối tuần qua. |
Giới phân tích cho rằng các chỉ số có điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần qua, nhưng xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa bị ảnh hưởng, tuy nhiên rủi ro điều chỉnh trong những phiên tới vẫn là khá đáng kể.
Nhóm phân tích của CTCP Chứng khoán MB (MBS) nhìn nhận, nhịp tăng 5 phiên liên tiếp của thị trường bị chắn ngang dưới áp lực từ thị trường chứng khoán thế giới, khiến thị trường điều chỉnh giảm trở lại phiên cuối tuần qua.
Tuy vậy, mức giảm phiên cuối tuần qua là rất nhẹ so với các thị trường trong khu vực, thậm chí gần như toàn bộ thời gian giao dịch là nỗ lực ngược dòng của thị trường sau khi giảm gần 10 điểm ở phiên mở cửa phiên.
Trong khi đó, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, VN-Index tăng trên 2,5% trong tuần qua và vượt 900 điểm cho thấy tâm lý khá lạc quan của nhà đầu tư trên thị trường ở thời điểm hiện tại.
Theo VCBS, tình hình vĩ mô trong nước vẫn tương đối ổn định và Việt Nam là điểm sáng trong khu vực ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, do đó triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam là tương đối tích cực trong giai đoạn cuối năm nay.
Tuy nhiên, VCBS cho rằng rủi ro điều chỉnh trong những phiên tới vẫn là khá đáng kể, dù chỉ số khó có khả năng đánh mất ngưỡng hỗ trợ 880 điểm ngay trong tuần sau.
VCBS khuyến nghị nhà đầu tư vẫn cần tuyệt đối tuân thủ kỷ luật đầu tư, cụ thể là cần kịp thời chốt lời hoặc cắt lỗ để bảo vệ thành quả và tạm thời nên dừng giải ngân mới để quan sát thêm diễn biến trên thị trường trong quá trình VN-Index kiểm định lại ngưỡng 900 điểm trong những phiên tới.
Các nhà phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) nhận định, trong ngắn hạn, VN-Index dưới ảnh hưởng tích cực của VN30 đã đi vào vùng quá mua, do đó dòng tiền suy yếu ở nhiều mã thể hiện qua khối lượng giao dịch giảm. Nhiều mã chịu áp lực chốt lãi ngắn hạn sau thời gian dài tăng điểm trong 6 tuần liên tiếp.
SHS dự báo trong tuần từ 7-11/9, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục rung lắc tích lũy, phân hóa trong vùng 900-905 và dần tạo đỉnh ngắn hạn ở nhiều mã.
Vì vậy, SHS khuyến nghị nhà đầu tư cần tiếp tục đánh giá, rà soát lại danh mục cổ phiếu đầu tư nếu có; xem xét cơ cấu danh mục, hạ tỷ trọng các mã yếu kém, thực hiện hóa lợi nhuận và chốt NAV (giá trị tài sản ròng) quý III riêng lẻ từng mã khi VN-Index tiếp tục tăng điểm trong tuần tiếp theo.
P.L