Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc tháng 7 với nhiều biến động khi sắc đỏ chiếm ưu thế, vốn hoá sàn HoSE “bốc hơi” 358.840 tỷ đồng (tương đương 15,6 tỷ USD), thanh khoản bình quân chỉ đạt 19.862 tỷ đồng/phiên, giảm khoảng 16% so với mức kỷ lục tháng 6.
Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, số ca nhiễm bệnh gia tăng và có thêm một số tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội có thể khiến nhà đầu tư chán nản, thậm chí lo ngại rủi ro, nên quyết định sẽ rút tiền ra khỏi thị trường.
Chạm đáy mới bùng nổ trở lại?
Có ý kiến cho rằng, đà giảm của thị trường vừa qua có nhiều nét tương đồng với đà giảm trong giai đoạn tháng 6-7/2020 do dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng. Các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa tạm thời nhiều hoạt động thương mại đã phải áp dụng, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tăng trưởng kinh tế chậm lại, tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán.
Câu chuyện hiện tại của các nhà đầu tư là chọn cổ phiếu nào để giải ngân. |
Ý kiến này hoàn toàn có cơ sở khi mới đây, nhiều đơn vị phân tích đã phải điều chỉnh lại mô hình dự báo do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Có thể kể đến như Dragon Capital đánh giá, đợt bùng phát này phức tạp hơn tất cả 3 đợt trước cộng lại, nên đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 6% về 5% để phản ánh các rủi ro hiện có.
Tương tự, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa hạ dự phóng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống con số 5,5%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu ở mức 6,7%, do các tác động từ dịch Covid-19.
Đặc biệt, đà giảm vừa qua của thị trường cũng bắt đầu sau một giai đoạn thị trường tăng mạnh (sau đà tăng vượt đỉnh mọi thời đại của Vn-Index kéo dài từ tháng 1/2021) thì giai đoạn tháng 6-7/2020 cũng diễn ra sau đà hồi phục mạnh mẽ của thị trường từ cuối tháng 3.
Và tất nhiên, cũng giống với cách đây một năm, yếu tố duy nhất “níu giữ” dòng tiền ở lại trên thị trường chứng khoán chính là lãi suất thấp. Lãi suất huy động đã liên tục giảm trong năm 2020 và kéo dài đến hiện tại, nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục thấp bất chấp tín dụng đã có những dấu hiệu tăng.
Nhìn lại lịch sử thị trường chứng khoán trong và ngoài nước cho thấy, thông tin có thể khác, tình hình kinh tế có thể khác, nhưng thị trường chứng khoán luôn có các chu kỳ tăng giá và giảm giá, những biến động do tâm lý con người tạo ra. Việc để thông tin và cảm xúc làm chủ quyết định đầu tư thường làm giảm lợi suất đầu tư, hoặc gây ra các khoản thua lỗ.
Theo đó, điều mà thị trường cần nhất lúc này là một mức giảm sâu nhất trong ngắn hạn mà Vn-Index có thể chạm tới, hay như giới đầu tư còn gọi là đáy. Khi thị trường đạt đến mức này, dòng tiền sẽ trở lại mạnh mẽ và “ngày bùng nổ theo đà” (Follow Through Day - FTD) sẽ tới. Đây là điểm khởi đầu cho một đà tăng bền vững.
Quan trọng vẫn là chọn cổ phiếu
Theo ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), các yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại vẫn là sự ổn định của kinh tế vĩ mô, mặt bằng lãi suất thấp và chưa có nhiều kênh đầu tư với lợi suất kỳ vọng hấp dẫn hơn kênh chứng khoán.
Do đó, dòng tiền của nhà đầu tư vẫn “rình rập” tìm kiếm cơ hội mua các cổ phiếu tốt mỗi khi giá có sự chiết khấu đáng kể không phải là điều bất ngờ, ngay cả khi dịch bệnh bùng phát trở lại và có diễn biến ngày càng phức tạp.
Trong những phiên giao dịch cuối tháng 7 và đầu tháng 8, thị trường đã có những diễn biến lạc quan hơn với việc các cổ phiếu bluechip giảm sâu trước đó, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, đã đồng loạt phục hồi, cải thiện đáng kể tâm lý cho nhà đầu tư. “Đỉnh dịch là đáy chứng khoán” được cho là đang xảy ra.
Ông Ngô Quốc Hưng, chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán MB (MBS) đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề này: “Trong kịch bản lạc quan, tôi kỳ vọng điều này xảy ra, đặc biệt là dịch bệnh sẽ được khống chế sau các lệnh giãn cách nghiêm ngặt ở nhiều tỉnh, thành phố. Thế nhưng, để xác định đâu là đỉnh dịch thì lại là vấn đề quá khó”.
Cũng theo ông Hưng, những phiên giao dịch khởi sắc vừa qua và có thể là sắp tới chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật bình thường với hoạt động bắt đáy ở quy mô nhỏ.
Đồng quan điểm, ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VietinBank nhận định, về mặt kỹ thuật, mức 1.350 điểm sẽ là kháng cự mà nhà đầu tư cần chú ý. Việc thị trường tăng điểm với thanh khoản thấp hơn giai đoạn đầu năm nhưng không vượt qua được kháng cự này là tín hiệu cho thấy đây chỉ là một nhịp hồi.
Tuy nhiên, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (VNSC) lại cho rằng, bất kể giai đoạn nào mà thị trường có sự ổn định hơn, hồi phục trở lại đều đi kèm với thanh khoản thấp.
Cũng theo ông Ngọc, thị trường đã tạo đáy ở mốc 1 là 1.250 điểm và kiểm định lại vùng 1.260 điểm. Đây là điểm tích cực cho thấy thị trường khó có thể giảm sâu hơn.
Nhìn chung, thay vì đoán hay đợi đáy của thị trường thì theo các chuyên gia, câu chuyện hiện tại là chọn cổ phiếu nào để mua mới là điều đáng quan tâm đối với các nhà đầu tư.
Bởi lẽ, mùa kết quả kinh doanh quý II đã dần công bố với sắc màu tích cực là chính, các thông tin tiêu cực trong tháng 8 (nếu có) cũng sẽ chỉ phản ánh trên thị trường dưới dạng “cú sốc” ngắn hạn và sẽ dần lấy lại được đà hồi phục, một cách từ tốn nhưng vững chắc.
Minh Khuê