Theo số liệu từ Chứng khoán MB (MBS), trong nửa đầu năm 2020, thanh khoản thị trường có mức tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5.695 tỷ đồng/phiên. Trong đó, mức tăng chủ yếu tập trung vào giai đoạn từ tháng 3 - 5 nhờ dòng tiền của các nhà đầu tư F0 (nhà đầu tư mới) và các quỹ ETF mới thành lập.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường đang đi vào giai đoạn biến động hẹp cùng với thanh khoản giảm dần, những phiên giao dịch đạt 7.000 - 8.000 tỷ đồng trước đó hầu như không còn xuất hiện.
Nhà đầu tư F0 yếu lòng?
Thị trường đang rơi vào giai đoạn vùng trống thông tin khi những bước ngoặt về chính sách kích thích kinh tế không còn dồn dập, cùng với những ước tính ban đầu về thiệt hại từ dịch bệnh đã phản ánh hầu hết sau giai đoạn diễn ra đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp.
Hiện tượng sụt giảm thanh khoản vừa qua của thị trường có thể được lý giải bởi 2 yếu tố chính: tâm lý của nhà đầu tư đã giảm bớt hưng phấn, trở nên thận trọng hơn bởi giá nhiều cổ phiếu thậm chí đã vượt mức giá trước dịch và xu hướng đứng ngoài thị trường khi sắp bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II với những diễn biến khó lường.
Dòng tiền mới vẫn là yếu tố quyết định xu hướng thị trường 6 tháng cuối năm (Ảnh: Internet) |
Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Chứng khoán VNDIRECT (VNDS), kết quả kinh doanh quý II của nhiều doanh nghiệp sẽ diễn biến xấu hơn so với quý I, bởi tháng 4 là cao điểm về giãn cách xã hội.
Mặc dù có sự hồi phục nhanh trong tháng 5 và tháng 6, quý II vẫn sẽ là đáy về tăng trưởng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong năm nay. Tình hình quý III và quý IV sẽ khả quan hơn, nếu không có một làn sóng Covid-19 thứ 2 xảy ra.
Ngoài ra, những kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới trong nửa cuối năm đã chịu sự hoài nghi bởi lo ngại về khả năng làn sóng Covid-19 thứ 2 quay trở lại Trung Quốc, Đức, Mỹ khiến thị trường chứng khoán quốc tế biến động mạnh, cũng là yếu tố làm giảm sức nóng của chứng khoán Việt Nam.
Cần phải nhắc lại là đà tăng của thị trường chứng khoán trong nước vừa qua được hỗ trợ đáng kể từ dòng tiền mới thuộc thế hệ nhà đầu tư F0. Dòng tiền “nóng” này không chỉ giúp cải thiện đáng kể thanh khoản thị trường, mà còn cân bằng lại áp lực rút ròng của khối ngoại trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát.
Theo đó, với những thông tin thiếu tích cực mà thị trường đang đón nhận, đã có nhiều ý kiến cho rằng nhóm các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm kể trên có thể rơi vào tâm lý e dè, sợ hãi.
Ông Hinh nhìn nhận, vấn đề “dòng tiền F0” có đang e dè sợ hãi hay không rất khó đoán định được trong thời điểm này. Tuy nhiên, các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, bất động sản hoặc ngoại hối đều chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Bật "chế độ chờ"
Thực tế, “dòng tiền F0” trong những tuần giao dịch vừa qua cũng có sự chuyển động đáng chú ý. Trong khi thanh khoản trên thị trường sụt giảm thì số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) lại đang phản ánh xu thế ngược chiều, với số lượng mở mới tài khoản chứng khoán cao kỷ lục trong tháng 6/2020 đạt 35.046 tài khoản, chủ yếu là tài khoản cá nhân.
Theo đó, đã xuất hiện nhiều ý kiến về việc dòng tiền này vẫn có thể đang chờ để quay lại thị trường sau thời gian đứng ngoài nghỉ ngơi và quan sát.
Nhận định như vậy là hoàn toàn có cơ sở, bởi trong báo cáo mới đây của BSC đã đánh giá dòng tiền mới vẫn là yếu tố quyết định xu hướng thị trường 6 tháng cuối năm, cho dù kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Báo cáo của BSC khẳng định, nhóm nhà đầu tư F0 này chưa sử dụng đến tỷ lệ margin, nên hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực trong những phiên điều chỉnh. Do đó, có thể giúp thị trường sớm ổn định mặt bằng giá và khởi động nhịp tăng mới khi dòng tiền đầu cơ trở lại bất chấp những thông tin bất lợi kể trên.
Ngoài ra, BSC cho rằng hoạt động rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài có thể thay đổi vào cuối năm. Sau khi dòng vốn quốc tế giá rẻ lấp đầy các thị trường phát triển thì xu hướng vận động tìm kiếm cơ hội ở các khu vực rủi ro hơn như khu vực thị trường mới nổi và thị trường cận biên có thể diễn ra như trong cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008.
Việt Nam giữ được ổn định vĩ mô, dần lấy được đà tăng trưởng sau khi kiểm soát được dịch bệnh và đang tạo ưu thế so với các nước khác. Đây là một trong những lợi thế giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút lại dòng vốn nước ngoài khi hình thành xu hướng chuyển dịch.
Có cùng quan điểm với BSC, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết xu hướng dòng tiền ở thời điểm hiện tại vẫn duy trì trạng thái tích cực, nhưng sẽ có xu hướng tập trung hơn trong thời gian tới ở các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, hay các mã có câu chuyện riêng, thay vì lan tỏa đồng đều trên diện rộng như ở nhịp tăng trước.
Ngoài ra, kỳ vọng lớn vào sự phục hồi nền kinh tế Việt Nam cùng với nhu cầu cao tìm kiếm lợi nhuận ở thị trường chứng khoán khi mặt bằng lãi suất huy động giảm sẽ là lực đỡ tốt giúp các chỉ số vẫn giữ vững được vùng giá hiện tại trong ngắn hạn.
Linh Đan