PV Power thành lập năm 2007 với ngành nghề chính là sản xuất điện năng, đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện độc lập… PV Power có vốn điều lệ đạt 23.419 tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm đến 51% vốn, tương ứng gần 1,2 tỷ cổ phần.
Nhà sản xuất điện lớn thứ 2 Việt Nam
Hiện nay, PV Power là một trong 3 nhà cung cấp điện lớn nhất Việt Nam, cùng với Tập đoàn Điện lực (EVN) và Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV). PV Power hiện quản lý và vận hành 8 nhà máy điện, trong đó có 4 nhà máy điện khí, 3 nhà máy thuỷ điện và một nhà máy nhiệt điện than. Tổng công suất hoạt động của PV Power ước đạt khoảng 4.208 MW, sản lượng điện ước đạt 21.132 kWh.
Theo báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp công ty mẹ, vốn chủ sở hữu của PVPower hiện đang ở mức 1,5 tỷ USD, tổng tài sản đạt 2,7 tỷ USD.
Trong năm 2017, sản lượng điện PVPower đạt 20.581 triệu KWh, vượt 481 triệu KWWh (vượt 2,4%) so với kế hoạch Bộ Công Thương giao; doanh thu toàn Tổng công ty đạt 30.987 tỷ đồng (bằng 106% kế hoạch năm 2017), lợi nhuận trước thuế đạt 2.503 tỷ đồng (bằng 183% kế hoạch năm 2017), nộp ngân sách 1.274 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu 7,5%.
Hiện nay, PV Power đang sở hữu 9 dự án điện trên cả nước, trong đó tập trung nhiều ở miền Trung và Nam Bộ với 7 dự án. Trong đó, PV Power đang sở hữu 100% vốn tại nhiệt điện than Vũng Áng 1 (công suất 1.200 MW), nhiệt điện khí Cà Mau 1 & 2 (công suất 1.500 MW) và Nhơn Trạch 1 (450 MW).
Đồng thời, PV Power cũng nắm giữ 96% vốn tại thủy điện Nậm Cắt (3.2 MW), 95% vốn DakDrinh (125 MW) và 84% vốn Hủa Na (180 MW); sở hữu 60% vốn tại CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã: NT2) (750MW), 51% vốn tại CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Điện lực Dầu khí (mã: PPS), 51.58% vốn CTCP Máy – Thiết bị Dầu khí (mã: PVM).
Hiện công suất lắp đặt các nhà máy điện của PV Power đạt 4.208,2 MW, bằng khoảng 12% công suất các nhà máy điện trên cả nước và lũy kế sản lượng điện ổn định khoảng 21 tỷ kWh/năm, bằng gần 13% sản lượng toàn ngành.
Trong giai đoạn 5 năm đầu sau cổ phần hóa, PV Power đặt mục tiêu cung ứng cho hệ thống điện quốc gia trên 200 tỷ kWh điện, doanh thu bình quân đạt khoảng 40.000 tỷ đồng/năm.
Trước mắt, PV Power đã được PVN giao làm chủ đầu tư đối với các dự án nhiệt điện khí lớn như Nhơn Trạch 3 (NT3), Nhơn Trạch 4 (NT4), Trung tâm Điện lực Kiên Giang, Dự án điện sử dụng nguồn khí Cá Voi Xanh.
Ngày 15/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung Quy hoạch và giao PVN làm chủ đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện NT3, NT4, sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), công suất mỗi nhà máy khoảng 750 – 800 MW, đưa vào vận hành trong các năm 2020, 2021.
![]() |
PVPower đã tiếp xúc hơn 100 nhà đầu tư và nhận được thư quan tâm trở thành cổ đông chiến lược của 30 nhà đầu tư.
Nhà nước có thể nắm dưới 51% vốn điều lệ
Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của PVPower được xác định là trên 23.418 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ.
Cổ phần bán đấu giá công khai là trên 468 triệu cổ phần (chiếm 20% vốn điều lệ), cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là trên 676 triệu cổ phần (chiếm gần 29%) vốn điều lệ.
Giá khởi điểm cho đợt IPO 20% vốn điều lệ lần này được xác định là 14.400 đồng/cổ phần. PVN dự kiến thu về 6.745 tỷ đồng nếu đấu giá thành công ở mức giá giá khởi điểm. Ở mức giá này, tổng giá trị vốn hóa thị trường của công ty khoảng 1,48 tỷ USD.
Về nhà đầu tư chiến lược của tổng công ty, yêu cầu đặt ra là phải kinh doanh có lãi trong 2 năm gần nhất, không có lỗ lũy kế, cam kết không chuyển nhượng cổ phần PVPower trong 5 năm sau khi nắm giữ.
Theo ban lãnh đạo công ty, đến nay, PVPower đã tiếp xúc hơn 100 nhà đầu tư và nhận được thư quan tâm trở thành cổ đông chiến lược của 30 nhà đầu tư.
Theo ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch HĐTV PV Power, cho biết đến nay, Tổng công ty này đã thực hiện được khoảng 70-80% công việc để chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, cổ phần hóa tại PVPower thực chất là CPH thoái vốn nhà nước chứ không tăng vốn điều lệ.
Cũng theo ông Kỳ, sau cổ phần hóa, PVN vẫn nắm giữ 51% vốn điều lệ tại PVPower, tuy nhiên, từ năm 2019, tỷ lệ này có thể giảm, phụ thuộc vào quá trình tái cấu trúc các khoản nợ và đàm phán với các bên vay.
Tại buổi roadshow, lãnh đạo PVPower cho biết trong thời gian tới, các nhà máy điện của PVPower sẽ kết thúc việc trả lãi vay (bao gồm NMĐ Nhơn Trạch 1 trả hết nợ vay vào năm 2016, NMĐ Cà Mau trả hết nợ vay vào năm 2019).
Doanh thu và tỷ suất lợi nhuận của các NMĐ PVPower hứa hẹn sẽ tăng thêm khi NMĐ Nhơn Trạch 1 hết khấu hao vào năm 2019, NMĐ Cà Mau sẽ hết khấu hao máy móc thiết bị vào năm 2018.
NMĐ Vũng Áng 1 đã hoạt động hiệu quả từ năm 201. Mặc dù mới đi vào vận hành từ năm 2015, PVPower vẫn duy trì việc vận hành hiệu quả NMĐ Vũng Áng 1 để thực hiện trả các khoản nợ vay trước thời hạn.
Hiện, PVPower vẫn còn một khoản tiền gửi tại OceanBank là 17 tỷ đồng, khoản tiền này đang bị phong tỏa theo quy định của NHNN.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo PV Power, khoản tiền này vẫn được nhận tất cả khoản lãi theo quy định. Khoản tiền này được giải toả hay không sẽ được thực hiện theo hướng dẫn của NHNN về tiền gửi tại OceanBank.
Thùy Linh