Cụ thể, Novaland dự kiến sẽ chỉ chào bán riêng lẻ tối đa 200 triệu cổ phiếu, thay vì 975 triệu cổ phiếu trong kế hoạch ban đầu. Đối tượng phát hành cũng được điều chỉnh chỉ còn là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (tối đa 5 nhà đầu tư) và không còn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Giá phát hành vẫn giữ nguyên, không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Novaland vừa công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản trong đó có nội dung quan trọng liên quan đến việc điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu. |
Phương án sử dụng vốn cũng không thay đổi. Số tiền 2.000 tỷ đồng dự kiến thu về sẽ được dùng để đầu tư góp thêm vốn vào công ty con để tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn; thực hiện các dự án mà công ty con là chủ đầu tư; thanh toán các khoản thuế và phải nộp Nhà nước của công ty con và bổ sung vốn lưu động.
Về phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, Novaland cũng điều chỉnh giảm số lượng dự kiến phát hành từ 1,95 tỷ cổ phiếu xuống còn 1,17 tỷ cổ phiếu. Giá chào bán không thay đổi, tối thiểu 10.000 đồng/cp. Cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu theo phương thức quyền mua, không bị hạn chế chuyển nhượng. Phương án sử dụng vốn cũng được giữ nguyên.
Như vậy, Novaland dự kiến sẽ phát hành thêm tổng cộng 1,37 tỷ cổ phiếu, giảm 1,55 tỷ cổ phiếu so với kế hoạch ban đầu. Số tiền huy động tối đa từ 2 đợt chào bán riêng lẻ và cho cổ đông hiện hữu tương ứng giảm xuống còn 13.700 tỷ thay vì 29.250 tỷ đồng như kế hoạch ban đầu.
Ngoài ra, Novaland cũng giữ nguyên kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2023 (ESOP), số lượng tối đa 1,5% số cổ phần đang lưu hành của công ty tại thời điểm phát hành với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp.
Đối tượng chào bán bao gồm Thành viên HĐQT và người lao động theo danh sách được HĐQT phê duyệt. Mục đích nhằm thu hút nhân tài và tăng sự gắn kết lợi ích của Thành viên HĐQT và người lao động với Novaland.
Ngoài ra, Novaland còn xin ý kiến cổ đông thông qua việc sử dụng các bất động sản thuộc sở hữu của công ty để đảm bảo cho Công ty TNHH Delta Valley – Bình Thuận thực hiện đúng các điều khoản đã ký kết trong các hợp đồng mua bán cho các sản phẩm thuộc các phân khu đã đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán của dự án NovaWorld Phan Thiết với khách hàng, tổng giá trị khoảng 2.800 tỷ đồng.
Trên thị trường, chốt phiên 13/12, cổ phiếu NVL đang dừng ở mức 17.000 đồng/cp, tăng 32% kể từ đầu tháng 11 nhưng vẫn thấp hơn 22% so với đỉnh một năm đạt được hồi đầu tháng 9. Mức giá này đang cao hơn nhiều so với giá chào bán tối thiểu cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo phương án nêu trên.
Đáng chú ý, dù cổ phiếu ghi nhận đà tăng ấn tượng nhưng các cổ đông liên quan đến ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland vẫn đang mất dần sở hữu do bị bán giải chấp dù số lượng đã ít hơn giai đoạn trước. Hiện tại, nhóm cổ đông liên quan đến gia đình Chủ tịch Novaland đang còn nắm giữ khoảng 834 triệu cổ phiếu NVL, tức tỷ lệ sở hữu đạt 42,78%.
Về tình hình kinh doanh, trong quý III/2023, Novaland ghi nhận doanh thu 1.073 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận gộp từ đó cũng giảm về còn 342 tỷ đồng.
Khấu trừ thuế phí, Novaland báo lãi quý III/2023 gần 137 tỷ đồng, giảm tới 42% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Novaland ghi nhận lỗ sau thuế gần 958 tỷ đồng, trong khi doanh thu giảm 65% về còn 2.731 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính tiếp tục đóng vai trò quan trọng với 3.916 tỷ đồng.
Châu Anh