Giám đốc tài chính và thành viên HĐQT Novaland xin từ nhiệm. |
Cụ thể, ông Nguyễn Trần Đăng Phước, thành viên HĐQT Novaland xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân khỏi vị trí này kể từ ngày 22/6/2023. Đồng thời, ông Nguyễn Đức Dũng cũng xin từ nhiệm khỏi vị trí giám đốc tài chính kể từ ngày 23/5/2023 theo nguyện vọng cá nhân.
Đáng chú ý, khi ông Phước mới được chấp thuận tham gia vào HĐQT của Novaland cho nhiệm kỳ 2021-2026 kể từ ngày 4/5. Vị này do cổ đông Diamond Properties đề cử tham gia ban quản trị.
Ông Phước thời điểm đó được bầu vào HĐQT của Novaland cùng với bà Đỗ Thị Phương Lan - cũng là lãnh đạo của Red Capital, thay thế cho ông Bùi Xuân Huy và bà Hoàng Thu Châu.
Vị này được giới thiệu có hơn 25 năm kinh nghiệm làm việc ở các vị trí quản lý cấp cao cho các tập đoàn đa quốc gia, với chuyên môn trong lĩnh vực quản trị kinh doanh, bán hàng, tiếp thị, tái cấu trúc và nâng cao năng lực phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế của Việt Nam.
Về phía ông Nguyễn Đức Dũng, ông nhận việc Giám đốc tài chính vào ngày 15/12/2021 đến nay và từng là người được ủy quyền công bố thông tin. Vị này đang nắm giữ trực tiếp 13.483 cổ phiếu NVL.
Novaland gần đây cũng ghi nhận biến động lớn về cơ cấu cổ đông khi Novagroup liên tục rút bớt cổ phần, gần nhất là đăng ký bán hơn 69,6 triệu cổ phiếu NVL đến ngày 8/6 để giảm sở hữu dự kiến về còn 24,9% vốn.
Tương tự cổ đông lớn thứ hai tại doanh nghiệp là Diamond Properties đăng ký bán hơn 18,4 triệu cổ phiếu NVL với hạn chót đến ngày 8/6, để hạ sở hữu về mức dự kiến 9,42% vốn điều lệ.
Hai nhân sự cấp cao của Novaland gửi đơn xin từ nhiệm trong bối cảnh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không mấy “sáng sủa”. Kết thúc quý I, Novaland ghi nhận lỗ sau thuế 410 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên doanh nghiệp thua lỗ kể từ khi doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán năm 2016 đến nay.
Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của tập đoàn địa ốc này đạt hơn 256.194 tỷ đồng, tương đương với cuối năm ngoái. Trong đó, giá trị hàng tồn kho ghi nhận gần 137.000 tỷ đồng và 91% tổng hàng tồn kho là giá trị quỹ đất cùng các dự án đang xây dựng, phần còn lại là bất động sản đã xây dựng hoàn thành và hàng hóa bất động sản, bất động sản đã hoàn thiện chờ bàn giao cho khách hàng.
Đáng chú ý, doanh nghiệp bất động sản lớn thứ năm của Việt Nam theo giá trị thị trường còn bị ảnh hưởng nặng nề trước việc siết chặt các quy định về phát hành và tái cấp vốn trái phiếu doanh nghiệp.
Đến nay, Novaland đã không thanh toán 3 trong số các trái phiếu trong nước và phải đối mặt với các nghĩa vụ trả nợ tiếp theo trị giá khoảng 14 nghìn tỷ đồng cho 31 đợt phát hành trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm nay.
Tháng trước, công ty kiểm toán PwC còn bày tỏ “sự nghi ngờ đáng kể” về khả năng “hoạt động liên tục” của công ty. Theo một nguồn tin, Novaland đàm phán với Credit Suisse và các tổ chức khác để cơ cấu lại nợ.
Châu Anh