Lợi nhuận quý IV/2020 của các doanh nghiệp niêm yết tăng mạnh |
Trong báo cáo chiến lược vừa công bố, VNDirect cho biết tính tới ngày 2/2, có 750 công ty niêm yết trên cả ba sàn đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2020, tương ứng với 82% vốn hóa thị trường.
Theo ước tính của VNDirect, tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên ba sàn (HoSE, HNX, UPCoM) tăng 15,6% trong quý cuối cùng của năm 2020. Trong đó, đáng chú ý nhất là các doanh nghiệp trên HoSE ghi nhận mức tăng tới 19,1% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của các doanh nghiệp nằm trong danh sách VN30 (15%).
Xét trong nhóm VN30, gam màu sáng chiếm ưu thế khi năm 2020 có 17 công ty ghi nhận lãi ròng tăng trưởng dương, dẫn đầu với Hòa Phát (tăng 79% so với cùng kỳ) và TTC Sugar (tăng 68,8% so với cùng kỳ).
Ngược lại, doanh nghiệp có mức sụt giảm mạnh nhất bao gồm Masan (lãi giảm 77,8% so với cùng kỳ) do hợp nhất với Vincommerce, kế đến là Vietjet (giảm 98,3% so với cùng kỳ) do ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Cũng theo thống kê của VNDirect, nhờ các doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng và các nhà máy thuỷ điện nhỏ mà lợi nhuận trong quý của các doanh nghiệp vốn hoá nhỏ tăng vượt trội so với thị trường, đạt mức tăng 42,7%.
Cụ thể, nhóm doanh nghiệp sản xuất thép ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 240% so với cùng kỳ nhờ sản lượng xuất khẩu gia tăng và giá than cốc giảm 20%.
Mặc dù giải ngân đầu tư công đã tăng tốc trong nửa sau 2020 nhưng các công ty xây dựng và vật liệu lớn lại ghi nhận kết quả lợi nhuận ròng trái chiều trong kỳ. Có thể kể đến, lợi nhuận ròng Vicostone tăng 19% so với cùng kỳ, Nhựa Bình Minh lãi tăng 17% so với cùng kỳ; trong khi đó, Vicem Hà Tiên báo lãi giảm 29% so với cùng kỳ, lãi ròng Coteccons giảm 60%. Kết quả, lợi nhuận ròng của nhóm ngành này giảm 1% trong quý 4/2020.
Trong ngành tài chính, lợi nhuận ròng quý IV/2020 của các công ty chứng khoán tăng 151% so với cùng kỳ khi thị trường tăng mạnh cả về chỉ số và thanh khoản.
Mặt khác, tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm chậm lại khiến chi phí trích lập dự phòng và chi phí hoạt động giảm, nâng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp bảo hiểm lên 106% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận ròng của các ngân hàng đã phục hồi trở lại ở mức 25% so với cùng kỳ.
Ở ngành du lịch, với sự phục hồi của ngành vận tải hàng không trong nước và ngành du lịch, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trong quý 4 chỉ giảm 5% so với cùng kỳ, cải thiện so với mức giảm 274% quý 3/2020.
Trong số các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhóm bán lẻ đã phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng lãi ròng 14% so với cùng kỳ trong quý 4/2020. Cụ thể, lợi nhuận của Thế giới di động tăng 21%, PNJ tăng 31% và Digiworld tăng 60% so với cùng kỳ trong bối cảnh thị trường nội địa phục hồi.
Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2020, tổng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết lại lần lượt giảm 5,4% và 5,3% so với cùng kỳ.
L.L