Tạm chốt phiên, cổ phiếu CII tăng lên mức 13.700 đồng/cp, tổng khối lượng đạt hơn 44 triệu đơn vị. Trong hầu hết phiên sáng, thanh khoản cổ phiếu này liên tục nằm trong top giao dịch sôi động nhất thị trường.
Dòng tiền tìm đến cổ phiếu CII diễn ra ngay sau khi doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh quý IV “hụt hơi” và công ty chưa thể hoàn thành kế hoạch năm 2024.
Cổ phiếu CII tăng cùng thanh khoản đột biến. |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 757 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2023. Biên lợi nhuận gộp đạt 51,4%, giảm so với mức 53,8% của cùng kỳ.
Doanh thu tài chính sụt giảm mạnh 67% so với quý IV/2023, đạt 188 tỷ đồng. Cùng chiều, chi phí tài chính giảm 27% về mức 358 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm 315 tỷ đồng, giảm 20%. Chi phí bán hàng cũng được tiết giảm 33% về mức 23 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 31% về mức 145 tỷ đồng.
Kết quả, doanh nghiệp lãi trước thuế 31 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ. Nhờ được hoàn nhập 84 tỷ đồng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại nên lãi sau thuế đạt gần 100 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi ròng (lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ) chỉ đạt gần 6 tỷ đồng, so với quý IV năm trước đạt 114 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2024, doanh thu thuần của công ty đạt 3.041 tỷ đồng, giảm 1,5% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 639 tỷ đồng, tăng 73%; lãi ròng đạt 277 tỷ đồng, tăng 56%.
Lợi nhuận năm 2024 tăng trưởng mạnh dù doanh thu gần như đi ngang phần lớn là nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện, từ mức 37,3% của cùng kỳ lên 55,3%.
Năm 2024, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 4.194 tỷ đồng và lãi ròng 430 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và tăng 10% so với năm 2023. Với kết quả trên, công ty chỉ hoàn thành được 73% chỉ tiêu doanh thu và hơn 64% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tại thời điểm 31/12/2024, tổng tài sản của công ty đạt 36.697 tỷ đồng, tăng 1,5% so với đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 16.263 tỷ đồng, chiếm 48,3% tổng tài sản. Công ty nắm giữ khoảng 2.174 tỷ đồng tiền, tiền gửi ngân hàng. Ngoài ra có 151 tỷ đầu tư vào trái phiếu.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của công ty ở mức 27.550 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu kỳ. Trong đó, vay nợ tài chính chiếm 20.340 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay dài hạn với 15.629 tỷ đồng chủ yếu từ ngân hàng, tiếp đó là vay từ kênh trái phiếu và một phần từ các cá nhân và tổ chức khác. Vietcombank đang là chủ nợ lớn nhất với khoản vay dài hạn 8.618 tỷ tại ngày 31/12/2024.
Đáng chú ý, trong năm 2024, công ty tích cực phát hành trái phiếu chuyển đổi với dư nợ khoản này tại thời điểm cuối năm là hơn 2.800 tỷ đồng. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường diễn ra ngày 15/1 vừa qua, cổ đông công ty tiếp tục thông qua kế hoạch phát hành 2 gói trái phiếu chuyển đổi ra công chúng. Gói đầu tiên có giá trị tối đa 2.000 tỷ đồng và gói thứ hai tối đa 2.500 tỷ đồng, với kỳ hạn 10 năm. Giá chuyển đổi được ấn định ở mức 12.500 đồng/cổ phần.
Châu Anh