Sau giai đoạn “nghỉ ngơi” hồi đầu năm 2021, thời gian gần đây, cơn sốt trái phiếu doanh nghiệp lại quay trở lại khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, hoạt động giãn cách kéo dài tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề, từ đó ảnh hưởng tới các kênh đầu tư và trái phiếu doanh nghiệp được quan tâm đặc biệt nhờ có lợi suất và thanh khoản cao.
Theo số liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 8 tháng đầu năm 2021 đã có 490 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị đạt 308.517 tỷ đồng- một mức cao chưa từng có. Trong đó, các ngân hàng dẫn đầu về số lượng nhưng nhóm bất động sản lại chiếm ưu thế hơn do lãi suất cao trung bình từ 9-13%, thậm chí có doanh nghiệp lên tới 18% nên thu hút được nhiều người tham gia.
Ồ ạt phát hành
Một cái tên khá quen thuộc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã: PDR) từ đầu năm tới nay đã phát hành tới 5 đợt trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị khoảng 1.240 tỷ đồng.
Mới đây, Phát Đạt tiếp tục thông qua phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp lần 6 năm 2021 với số lượng 2.700 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu (tương đương 270 tỷ đồng) không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm bằng tài sản, không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành và được tự do chuyển nhượng, lãi suất 13%. Thời điểm phát hành dự kiến trong tháng 9/2021.
Sau giai đoạn “nghỉ ngơi” hồi đầu năm 2021, thời gian gần đây, cơn sốt trái phiếu doanh nghiệp lại quay trở lại. |
Tương tự, CTCP Hoa Phú Thịnh vừa thành công với lô trái phiếu 3.130 tỷ đồng, lãi suất năm đầu tiên lên tới 13,65%; CTCP Phú Hoàng Vương huy động thành công 4.670 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm, lãi suất năm đầu cũng là 13,65%/năm.
Hàng loạt công ty bất động sản khác như Hưng Thịnh Quy Nhơn, Tiến Phước, Sunrise Việt Nam, Hưng Thịnh Land… cũng vừa huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu, lãi suất 10-11%/năm.
Một thương vụ đáng chú ý khác là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt đã phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 1.900 tỷ đồng có kỳ hạn 60 tháng với lãi suất cố định 11,5%. Trước đó, hồi tháng 7, Ngôi sao Việt cũng phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 12%, kỳ hạn 12 tháng.
Hồi tháng 7/2021, CTCP Tập đoàn APEC Group (APEC Group) chào bán hai đợt trái phiếu trị giá 100 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, với lãi suất tương ứng là 11%/năm và 13%/năm, kỳ 1 phát hành ngày 28/7/2021, kỳ 2 dự kiến phát hành ngày 26/10/2021.
Trước đó, tháng 9/2020, APEC Group chào bán lô trái phiếu mang tên Happybond giá trị 3.000 tỷ đồng, với lãi suất lên tới 18%/năm, cao nhất thị trường trái phiếu bất động sản.
Thực tế, với mức lãi suất hấp dẫn gần như gấp đôi lãi suất tiết kiệm cùng tính thanh khoản cao, trái phiếu doanh nghiệp đã và đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên, về bản chất, doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu là theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Nếu doanh nghiệp sử dụng vốn không hiệu quả, hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn trả gốc và lãi trái phiếu.
Dấu hỏi về “sức khỏe”
Trong “cơn bão” trái phiếu doanh nghiệp bất động sản thời gian vừa qua, Ngôi Sao Việt là đơn vị gây ấn tượng nhất với lô trái phiếu có giá trị lớn nhưng lại chứng kiến doanh thu và lợi nhuận lao dốc.
Theo đó, trong năm 2020, Ngôi Sao Việt chỉ đạt 773 tỷ đồng doanh thu, giảm 9.264 tỷ đồng, tương đương 92% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế giảm từ 272 tỷ đồng xuống 32,4 tỷ đồng.
Hay như trường hợp của Hoàng Phú Vương, tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của công ty mẹ đạt mức 2.510 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả của công ty này đạt 2.260 tỷ đồng, cao gấp 9 lần vốn chủ sở hữu.
Được thành lập từ năm 2017 nhưng đến nay APEC Group vẫn chưa phát sinh khoản doanh thu nào nhưng vẫn báo lãi dù số lãi mang tính “tượng trưng” như năm 2017 là 3,1 triệu đồng; 2018 là 5,4 triệu đồng; năm 2019 là 68,3 triệu đồng; đến năm 2020 tăng lên gần 1,5 tỷ đồng.
Tình hình tài chính của APEC Group không mấy khả quan khi hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) tăng hàng chục lần qua các năm từ 2017 đến 2020, lần lượt là 0%, 0,0002%, 11,36%, 36,33%, cho thấy công ty sử dụng đòn bẩy tài chính rất lớn. Trong năm 2020, 70% nguồn vốn của APEC Group đến từ trái phiếu doanh nghiệp.
Một cái tên cũng mới nổi trong thị trường trái phiếu mới đây là Tập đoàn Hà Đô (mã: HDG) cũng đang trưng ra một bức tranh kinh doanh không mấy tươi sáng khi kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 1.832 tỷ đồng, giảm 38,7%; lợi nhuận sau thuế đạt 502 tỷ đồng, giảm 35% so với nửa đầu năm ngoái.
Đáng chú ý, nợ phải trả của Hà Đô ghi nhận gần 10.500 tỷ đồng vượt vốn chủ sở hữu 4.317 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính chiếm áp đảo với gần 6.600 tỷ đồng.
Không chỉ kinh doanh giảm sút, nhiều dự án của Hà Đô cũng gặp “vận đen” khi liên tiếp bị “bêu tên” sai phạm như dự án Khu nhà ở để bán tại Cầu Diễn, dự án Hado Charm Villas (trước đây là dự án Khu đô thị mới An Khánh – An Thượng), dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony, dự án Hado Minh Long…
Nhìn chung, việc lựa chọn kênh đầu tư nào phù hợp với khẩu vị là ở quyết định của mỗi nhà đầu tư, nhưng trước “hồi chuông cảnh báo” Evergrande, TS.Lê Đạt Chí cho rằng, nhiều rủi ro đối với doanh nghiệp bất động sản Việt Nam cần bàn tới bởi Việt Nam cũng giống như Trung Quốc chỉ số giá nhà/thu nhập tăng liên tục, không ít công ty bất động sản “thổi giá”, “vẽ” dự án, huy động vốn từ nhà đầu tư. Khi doanh nghiệp gặp trục trặc thì những nhân tố nắm giữ trái phiếu đều bị vạ lây.
Minh Khuê