Theo báo cáo của Sở GDCK TP.HCM (HoSE), lũy kế 9 tháng, tổng giá trị và khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài lần lượt đạt 592.308 tỷ đồng và 12,6 tỷ cổ phiếu. Trong đó, khối ngoại đã bán ròng gần 44.680 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong đà bán ròng này có sự góp mặt của khá nhiều cổ phiếu tốt như VIC của Vingroup; VHM của Vinhomes luôn đứng đầu bảng. Tiếp theo là MSN, HPG, SSI, NVL, VNM, KBC…
Yếu tố chủ quan
Thực tế, sau khi miệt mài bán ròng trong nửa đầu năm, khối ngoại cũng đã quay trở lại mua ròng hồi đầu tháng 7, tuy nhiên ngay sau đó đã bán trở lại vào tháng 8, 9 vừa qua với xu hướng mạnh nhất kể từ năm 2020.
Lý giải về diễn biến này, có ý kiến cho rằng, những lo ngại về tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Việt Nam, giống như Thái Lan, Philippines, Singapore đã khiến động thái của khối ngoại trở nên thận trọng hơn.
Các nhà đầu tư đã bán ròng gần 2 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2021. |
Đáng chú ý, các quỹ ETF (quỹ đầu tư thụ động) có động thái rút ròng trong thời gian gần đây, chẳng hạn như quỹ đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc) là Fubon FTSE Vietnam ETF trước đây mua ròng mạnh nhưng thời gian gần đây cũng có động thái rút ròng.
Trước đà bán ròng trường kỳ của khối ngoại, lâu nay các chuyên gia vẫn lên tiếng trấn an nhà đầu tư rằng, bản chất khối ngoại không rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam mà chờ cơ hội để giải ngân trở lại.
“Nhìn vào thị trường các nước, mỗi khi dịch Covid-19 được khống chế thì chứng khoán đi lên. Có lẽ khối ngoại đang chờ đợi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam ổn định hơn”, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết.
Trong khi đó, ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới hội sở của Mirae Asset Việt Nam nhận định, có thể Fubon FTSE Vietnam ETF đang bị các cổ đông tại Đài Loan yêu cầu rút vốn, do đó họ buộc phải bán chứng khoán cơ sở tại Việt Nam để hoàn trả.
Cũng theo ông Tuấn, nhóm nhà đầu tư rút ròng chính ra khỏi thị trường chứng khoán suốt 1 năm qua với quy mô lớn có thể là các quỹ Hàn Quốc do bối cảnh tăng trưởng kinh tế của quốc gia này đang yếu đi kèm theo việc đồng Won liên tiếp mất giá mạnh so với USD.
Ngoài ra, tỷ giá USD/Won tiếp tục tăng mạnh gần 8% kể từ tháng 6 đã làm cho VND tăng gần 10% so với đồng Won theo tính chất bắc cầu. Từ đó, cho thấy dòng vốn Hàn có thêm động cơ tận dụng mức chênh tỷ giá này (bán tại Việt Nam và quy đổi ra USD rồi tới Won) để thu về mức lợi từ 8-10%.
Vấn đề từ nội tại
Nhìn chung, hầu hết ý kiến các chuyên gia đều cho rằng, nguyên nhân của việc rút ròng đều đến từ vấn đề của khối ngoại. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại rằng, đà bán ròng của khối ngoại đã bắt đầu từ quý IV/2020.
Do vậy, nếu chỉ là tái cơ cấu danh mục hoặc chờ cơ hội thì 9 tháng qua là một “khoảng lặng” quá dài. Thực tế, trong thời gian này vẫn có những đợt mua ròng trở lại nhưng đều không đáng kể.
Khi đặt ra câu hỏi, liệu còn nguyên nhân nào khác? Ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết, bên cạnh các nguyên nhân từ chính các nhà đầu tư ngoại thì vẫn có những yếu tố đến từ nội tại. Có thể kể đến như một số doanh nghiệp thực hiện tăng vốn nhưng không nằm trong kế hoạch của các quỹ, nên bắt buộc phải bán những cổ phiếu này để tránh phải thực hiện quyền mua.
Ngoài ra, theo ông Trần Hoàng Sơn- Giám đốc nghiên cứu khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán MBS, trong giai đoạn 2016-2019 thị trường ghi nhận hàng loạt giao dịch mua ròng bởi các tổ chức nước ngoài nhờ kỳ vọng vào việc thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng trong năm 2020 hoặc 2021.
Tuy nhiên tới nay, vấn đề nâng hạng vẫn đang bị bỏ lỡ, điều này đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài có các động thái giảm tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam, dẫn tới đà bán ròng kéo dài trong suốt thời gian dài vừa qua.
Đồng quan điểm với ông Sơn, ông Dominic Scriven – Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam nói rằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đi trước để đón đầu “sóng” nâng hạng nhưng mục tiêu chưa đạt được nên thực hiện động thái “rút tiền về nhà”.
Cũng theo ông Dominic Scriven, thị trường Việt Nam là một thành phần của chỉ số các thị trường cận biên của thế giới nên khó thu hút được đầu tư bởi quy mô quá nhỏ. Do đó, khi khối ngoại thanh lý chiến lược đầu tư dù muốn hay không, họ vẫn phải rút bớt vốn khỏi chứng khoán Việt Nam.
Đánh giá về dòng vốn ngoại trong thời gian tới, ông Sơn kỳ vọng sẽ sớm trở lại vào khoảng giữa năm 2022 nhờ việc nền kinh tế Việt Nam dần mở cửa trở lại sau đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 cùng với triển vọng có thể nâng hạng thị trường.
"Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị rút ròng thông qua khớp lệnh lớn nhất kể từ năm 2018. Tuy nhiên, hệ số P/E của Vn-Index đã giảm từ mức cao nhất 3 năm về gần hơn với ngưỡng trung bình 15 năm ở mức 16,48 lần, thấp hơn 23% so với đỉnh gần nhất ghi nhận vào tháng 3/2018 là 21,4 lần. Định giá cổ phiếu vẫn đang ở mặt bằng hấp dẫn, xu hướng gia tăng lợi nhuận doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ kéo dài sang năm 2022, khi đại dịch được đẩy lùi. Những yếu tố này hoàn toàn có thể trở thành lực hấp lực đối với dòng vốn ngoại”, ông Sơn chia sẻ.
Minh Khuê